HOANG MANG VÌ DỊCH BỆNH, BẠN TRẺ LO LẮNG KHÔNG BIẾT HỌC NGHỀ GÌ ĐỂ CÓ VIỆC LÀM?

0
1122
Sau kỳ thi tốt nghiệp căng thẳng, nhiều bạn trẻ điểm kém đang dự tính chuyển sang học nghề nhưng lại sợ thất nghiệp (Ảnh minh họa: Hải Long).

Dân trí – Dịch Covid-19 phức tạp, cơ sở kinh doanh đình trệ, nhiều người thất nghiệp… khiến các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp lo lắng, không biết chọn học nghề nào để có việc làm.

Nhìn đâu cũng thấy người thất nghiệp

TPHCM đã công bố điểm xét tuyển lớp 10 nên những bạn trẻ vừa xong lớp 9 có điểm kém, tự thấy mình không đủ khả năng vào lớp 10 đã bắt đầu suy xét đến con đường mới. Bởi kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay TPHCM có hơn 83.000 học sinh đăng ký dự tuyển mà chỉ tiêu chỉ gần 68.000, sẽ có hơn 15.000 học sinh bị loại.

Tương tự, hiện nhiều trường đại học cũng đã công bố điểm sàn xét tuyển năm 2021. Những học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT không tốt cũng đã tính đến chuyện không vào đại học.

Tuy nhiên, điều các bạn trẻ lo lắng nhất lúc này là không biết học nghề gì để có thể kiếm được việc làm trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp và kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng như hiện nay.

Em Đinh Thị Thanh Thảo biết điểm thi tốt nghiệp THPT của mình không tốt, em tính đi học nghề nhưng lại rất hoang mang: “Đang dịch thế này, em lo quá! Tương lai sau này không biết nên làm gì”.

Thanh Huyền mới học xong lớp 9, kết quả cũng chỉ thuộc top trung bình trong lớp. Nhà em ở huyện Củ Chi, không có điều kiện kinh tế tốt nên cũng tính đi học nghề. Nhưng nhìn quanh thấy nhiều người quen thất nghiệp nên em rất lo lắng.

Huyền tâm sự: “Dạo này tình hình dịch căng thẳng quá, nhìn đâu cũng thấy người thất nghiệp. Em không biết tương lai sắp tới sẽ làm gì, học nghề gì để ra trường không bị thất nghiệp nữa”.

Sau kỳ thi tốt nghiệp căng thẳng, nhiều bạn trẻ điểm kém đang dự tính chuyển sang học nghề nhưng lại sợ thất nghiệp (Ảnh minh họa: Hải Long).

Thầy Tạ Xuân Bình, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành nhận định nhiều bạn trẻ đang hoang mang trong việc chọn ngành, chọn nghề để theo học khi dịch Covid – 19 phức tạp, cơ sở kinh doanh đình trệ, nhiều người mất việc, mất nguồn thu nhập…

Ông cho biết: “Nhiều bạn có ước mơ học nghề lương cao cũng tính chuyện tạm hoãn lại, tìm học nghề nào để dễ có việc làm”.

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành khuyên các bạn trẻ nên an tâm đi theo con đường mình cho là phù hợp với bản thân.

Ông trấn an: “Đa số người bị mất việc là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc lao động tự do, rất ít lao động đã qua đào tạo mất việc làm”.

Nhu cầu nhân lực là rất nhiều, không lo thất nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học (HĐKH) Viện nghiên cứu phát triển nhân lực cho rằng: “Dịch nào rồi cũng sẽ qua. Tôi tin chúng ta sẽ sớm khống chế được dịch Covid-19. Khi đó, nền kinh tế cần rất nhiều nhân lực để phục hồi”.

Theo ông Tuấn, dự báo nhu cầu nhân lực trong giai đoạn 2021-2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần 600.000 chỗ làm việc/năm; vùng Tây Nguyên cần 200.000 chỗ làm việc/năm; riêng TPHCM cần 330.000 chỗ làm việc/năm…

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, các nhóm ngành nghề chiếm tỷ trọng cao là nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ (35%), nhóm ngành Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính (33%), nhóm ngành khoa học tự nhiên (7%)…

Do đó, nhu cầu nhân lực là rất lớn, bạn trẻ bắt đầu học năm nay thì 2-3 năm sau mới ra trường, hoàn toàn không lo đến việc không kiếm được việc làm.

Thầy Tạ Xuân Bình cũng đồng tình: “Đừng hoang mang khi chọn nghề, không có bất cứ ngành nghề nào bạn học ra mà thất nghiệp cả. Có chăng là do bản thân mình chưa nỗ lực trong học tập, chưa cố gắng hết mình khi làm việc thực tế…”.

Sau dịch, nền kinh tế cần rất nhiều nhân lực để phục hồi, đặc biệt là nhân lực có tay nghề.

Ông Trần Anh Tuấn cũng thông tin thêm một yếu tố quan trọng của thị trường lao động sắp tới là lực lượng lao động phổ thông sẽ ngày càng ít, lao động có tay nghề, đã qua đào tạo chiếm hơn 90% nhu cầu nhân lực.

Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chiếm tỷ trọng bình quân trên 75% (trình độ cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 30% và sơ cấp 25%).

Chủ tịch HĐKH Viện nghiên cứu phát triển nhân lực đánh giá: “Với những yếu tố này, chắc chắn thị trường lao động sẽ có chuyển biến lớn với việc gia tăng nhiều cơ hội việc làm cho người lao động qua đào tạo nói chung và các hệ GDNN nói riêng”.

“Điều quan trọng với các em lúc này là quyết định thật chính xác ngành nghề, cấp bậc học (đại học, cao đẳng, trung cấp ) và ngôi trường phù hợp với mình. Học thật tốt, có nghề và giỏi nghề, xây dựng năng lực nghề và giá trị hành nghề thì chắc chắn thành công trong tương lai”, ông Trần Anh Tuấn khuyên.

Tùng Nguyên