THÔNG TIN VỀ NGÀNH CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT MÔI TRƯỜNG (HỆ TRUNG CẤP)

0
2424

1. Ngành công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Khoa học môi trường khác nhau như thế nào?

Trả lời: 
Ngành Khoa học môi trường là ngành khoa học nghiên cứu mối quan hệ và tương tác qua lại giữa con người và môi trường xung quanh nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống của con người trên trái đất. Còn ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường đào tạo những kỹ sư có khả năng thiết kế và vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị, dụng cụ đo kiểm soát môi trường, các hệ thống thiết bị công nghệ xử lý môi trường; thống kê, quản lý, xây dựng, thẩm định các dự án về môi trường.

2. Ngành công nghệ kỹ thuật môi trường có phân chuyên ngành cụ thể như một số ngành khác không?

Trả lời: 
Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường đáp ứng yêu cầu khi sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành những kỹ thuật viên Công nghệ kỹ thuật môi trường. Tuy nhiên sinh viên năm cuối muốn khi ra trường sẽ làm việc trong các lĩnh vực về quản lý môi trường thì khoa cho phép sinh viên chọn đề tài tốt nghiệp theo hướng quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai.

3. Học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường sẽ được làm việc trong những lĩnh vực nào? Ở đâu?

Trả lời: 
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ra trường sẽ làm việc ở những vị trí như sau: 
– Thiết kế và vận hành hệ thống xử lý chất thải.
– Quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường.
– Tư vấn và lập các báo cáo về Bảo vệ môi trường như ĐTM, CM, CDM,…
– Xây dựng các quy trình Giám sát An toàn-Sức khỏe-Môi trường (HSE), ISO, OHSAS,…
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc trong khu công nghiệp, các Nhà máy xử lý chất thải, các Trạm quan trắc môi trường, các Công ty tư vấn về môi trường, các Trường đại học, các Viện nghiên cứu và các cơ quan nhà nước chuyên trách về bảo vệ môi trường, các nhà máy có hệ thống quản lý môi trường và an toàn lao động.

4. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường như thế nào?

Trả lời: 
Sinh viên ra trường có thể công tác tại các nhà máy, các nhà máy xí nghiệp, các công ty xử lý chất thải như: Trung tâm Bảo vệ môi trường, Phòng Quản lý môi trường ở các cấp chính quyền; Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các Sở Khoa học công nghệ & môi trường, Sở Địa chính, Sở Khoa học và phát triển nông thôn, UBND các huyện thị. Các công ty như cấp thoát nước, tư vấn thiết kế hệ thống xử lý môi trường, nuôi trồng thủy sản và các nhà máy công nghiệp, các cơ quan quản lý môi trường, các cơ quan quy hoạch, khai thác khoáng sản, các Viện Nghiên cứu có liên quan đến các lĩnh vực trên.

5. Các thầy, cô có giúp sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp không?

Trả lời: 
Sinh viên sẽ được giới thiệu và định hướng nghề nghiệp ngay khi mới nhập học với môn học “Nhập môn ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường”. Thông qua môn học này sinh viên sẽ được hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo, ngành nghề môi trường hiện tại và tương lai. Ngoài ra trong quá trình học, sinh viên được đi tham quan thực tế tại các nhà máy, rừng sinh thái,… nhằm tiếp cận những công việc thực tế liên quan đến ngành môi trường.

6. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có được giới thiệu việc làm không?

Trả lời: 
Hiện nay, trường có Trung tâm Dịch vụ Sinh viên có nhiều chức năng, trong đó có chức năng giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên trong quá trình học. Bên cạnh đó, nhà trường mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong nước, và có liên kết với các đối tác Nhật, Hàn Quốc…mở ra cơ hội kiến tập, thực tập và làm việc chính thức tại các nhà máy, Công ty có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc giới thiệu này không đảm bảo cho toàn bộ sinh viên sẽ có việc làm mà phụ thuộc vào kỹ năng cũng như kết quả học tập của các bạn trong thời gian theo học tại trường.

7. Doanh nghiệp luôn đòi hỏi tuyển dụng một người có kinh nghiệm thực tế, nhưng sinh viên mới ra trường thì không có kinh nghiệm, vậy sinh viên phải  làm gì để đáp ứng được điều này cho doanh nghiệp?

Trả lời: 
Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường xây dựng chương trình học với nhiều tín chỉ thực hành – thực tập, nhiều đồ án và tham quan thực tế, thực tập tốt nghiệp. Đặc biệt, sinh viên luôn được đi tham quan thực tế ở mỗi học kỳ và tham gia kiến tập, thực tập tốt nghiệp ở doanh nghiệp để có thể nắm bắt được những công việc thực tế, từ đó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, Trường Cao đẳng công thương Hà Nội luôn khuyến khích giảng viên áp dụng những phương pháp giảng dạy mới, giảng dạy theo phương pháp tích cực hoá người học giúp sinh viên rèn luyện nhiều kỹ năng, rèn luyện tính năng động, sáng tạo cho sinh viên trong suốt 4 năm học. Bên cạnh đó những trải nghiệm của sinh viên qua các công tác xã hội hoặc việc làm thêm cũng là một trong những kinh nghiệm thực tế mà nhà tuyển dụng quan tâm.

8. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có những thế mạnh nào?

Trả lời: 
Ngày nay, môi trường không còn là vấn đề của một địa phương hay một quốc gia nào nữa mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại, một vấn đề toàn cầu. Chính vì vậy, ngành môi trường luôn là sự lựa chọn của rất nhiều thí sinh trong các mùa tuyển sinh gần đây

9. Nữ sinh học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có hợp không? Làm sao để phát huy thế mạnh của cán bộ nữ trong ngành môi trường?

Trả lời: 
Ngành Môi trường phù hợp với tất cả các bạn cả nam lẫn nữ. Không riêng gì ngành Môi trường mà ngành nào cũng vậy, việc học rất vất vả, có như vậy các bạn mới đạt được thành quả cao. Là nữ giới, đức tính nhẫn nại, chịu khó và mềm mỏng trong xử lý công việc sẽ là thế mạnh cho các em trong các mảng công việc như làm Thiết kế, làm Đánh giá tác động môi trường, làm HSE, làm tại các cơ quan nhà nước chuyên trách về Môi trường…

10. Tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường có thể làm việc được ở  Sở Tài nguyên và Môi trường được không? Và có thể đảm nhận được những công việc gì?

Trả lời: 
Có. Tùy vào cơ cấu tổ chức của mỗi địa phương sẽ có các phòng ban chức năng như sau: Quản lý tài nguyên đất, quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý chất lượng môi trường, quản lý vệ sinh đô thị…. Đối với mỗi phòng chức năng sẽ có những công việc tương ứng phù hợp với  ngành kỹ thuật môi trường

11. Làm thế nào để học tốt các môn cơ sở ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường (vì nó là môn học nền tảng) với khối lượng kiến thức khá nhiều? “Có quá nhiều thứ phải ghi nhớ”

Trả lời:
Hệ thống lại những gì đã học. Bạn sẽ nhớ lại những kiến thức đã học tốt hơn, có hệ thống hơn nếu chúng được trình bày trong một dàn ý có tổ chức. Có nhiều cách có thể giúp bạn hệ thống tổ chức một lượng kiến thức mới, chúng bao gồm những cách sau: Lập dàn ý hay làm tóm tắt, chú trọng vào quan hệ giữa các phần các chương; Nhóm các ý thành từng nhóm, từng mục một nếu có thể; Lập sơ đồ tư duy

12. Cách tìm kiếm tài liệu?

Trả lời: 
Có rất nhiều nguồn để tìm kiếm tài liệu. Chẳng hạn là trong Thư viện, tài liệu do giáo viên cung cấp, trên mạng, trên các trang web chuyên ngành, các bài báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh…

13. Sinh viên có nên đăng ký học vượt hay không?

Trả lời: 
Việc đăng ký học vượt để hoàn thành chương trình học hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ, năng lực và sự quyết tâm của các bạn sinh viên. Tuy nhiên các bạn sinh viên cần lưu ý, hiện tại chương trình học cho từng học kỳ của các bạn đã được bộ môn sắp xếp cho phù hợp với năng lực và khả năng của đa số các bạn sinh viên. Lượng kiến thức trong từng học kỳ cũng đã được các thầy cô tính toán hợp lý. Vì vậy, các bạn sinh viên phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định học vượt, nhằm tránh tình trạng các bạn khi đăng ký học vượt lại có điểm trung bình tích lũy thấp.

14. Hệ trung cấp ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường đào tạo những nội dung gì?

Trả lời: 
Chương trình đào tạo hệ trung cấp Công nghệ kỹ thuật môi trường được biên soạn để đào tạo ra kỹ thuật viên môi trường trình độ trung cấp, có kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác quản lý tài nguyên và môi trường, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có thái độ hợp tác với đồng nghiệp, tôn trọng pháp luật và các quy định tại nơi làm việc, có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, đồng thời có khả năng học tập vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
     Nội dung chương trình bao gồm những kiến thức về công tác bảo vệ môi trường, khai thác và bảo vệ tài nguyên, phát triển môi trường bền vững. Người học cũng được trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, chính trị, pháp luật, quốc phòng-an ninh.
     Sau khi tốt nghiệp, người học trở thành kỹ thuật viên công nghệ kỹ thuật môi trường có khả năng thực hiện được việc giám sát, kiểm tra công tác thực hiện pháp luật tài nguyên và môi trường ở cơ sở; thực hiện được những nội dung bảo vệ tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật; sử dụng được các trang thiết bị thông thường trong bảo vệ tài nguyên và môi trường.

15. Học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường sinh viên được học những kỹ năng gì?

Trả lời: 
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường được đào tạo kỹ năng trong suốt quá trình học thông qua hoạt động trong từng môn học như: 
– Kỹ năng điều hành và làm việc nhóm.
– Kỹ năng giao tiếp bằng văn bản, phương tiện điện tử, thuyết trình, đàm phán.
– Kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.

16. Trong quá trình học sinh viên có được đi tham quan thực tế không?

Trả lời: 
Sinh viên được đi tham quan thực tế ít nhất 1 lần/năm nhằm tìm hiểu về hoạt động môi trường ở nhà máy, các công nghệ xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn, nước cấp… tương ứng với môn học từng học kỳ.

17. Làm sao để học tốt môn chuyên ngành?

Trả lời: 
Muốn học tốt môn chuyên ngành trước hết phải học tốt môn cơ sở ngành, đó là những môn có kiến thức cơ bản nhất, tạo nền tảng để học tốt môn chuyên ngành.

18. Điều kiện để sinh viên được làm đồ án tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường?

Trả lời: 
Tất cả sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường  đến thời điểm làm đồ án có tổng số tín chỉ tích lũy đủ theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều được Khoa giao đề tài thực hiện đồ án tốt nghiệp.

MỌI THÔNG TIN CHI TIẾT VUI LÒNG LIÊN HỆ:

Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội

Số 54A1 đường Vũ Trọng Phụng, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Điện thoại: 0243.2216.292; Hotline: 0936.717172. 

Website: https://tuyensinh.hcit.edu.vn/