Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020: Đón đầu xu thế hội nhập

0
1003

 

Giám thị kiểm tra thông tin của thí sinh trước khi vào phòng thi - Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Sỹ Điền Giám thị kiểm tra thông tin của thí sinh trước khi vào phòng thi – Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Sỹ Điền

Xuất hiện những ngành hoàn toàn mới

Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2020, nhà trường tuyển sinh 15 ngành đào tạo hệ cử nhân, trong đó có 3 ngành đào tạo mới được tuyển sinh từ năm 2020 là: Sư phạm Lịch sử và Địa lý; Giáo dục tiểu học; Giáo dục mầm non. Riêng đối với ngành sư phạm, nhà trường đào tạo hai ngành mới mà rất ít trường đào tạo, đó là: Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Đây là hai ngành mà trường sẽ đào tạo, chủ động đón đầu Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết, chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm sẽ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, từ năm 2019, trường bắt đầu tuyển sinh một số ngành mới và hiện chưa có trường đại học nào của Việt Nam đào tạo. Những ngành này sẽ tiếp tục được phát huy và tuyển sinh trong năm 2020.

Cụ thể, đó là các ngành: Quản trị trường học; Quản trị công nghệ giáo dục; Quản trị chất lượng giáo dục; Tham vấn học đường; Khoa học giáo dục. “Đây là 5 ngành đào tạo hoàn toàn mới và cơ hội việc làm rất tốt. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm trong hoặc ngoài ngành Giáo dục” – GS Nguyễn Quý Thanh cho hay.

TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết: Năm 2020, Học viện dự kiến tuyển hơn 900 chỉ tiêu với 9 ngành đào tạo. Bên cạnh các ngành Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Giáo dục học, Kinh tế giáo dục, Công nghệ thông tin, Học viện dự kiến mở và tuyển sinh trong năm 2020 thêm các ngành đào tạo gồm: Ngôn ngữ Anh, Quản trị văn phòng, Luật, Truyền thông đa phương tiện.

 Bộ GD&ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm 2019. Vì vậy, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Bộ GD&ĐT chưa chính thức công bố hướng dẫn thực hiện công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 nhưng các thí sinh có thể định hướng trường thi, ngành thi, khối thi dựa trên nguyện vọng, nhu cầu cá nhân và các thông tin về tuyển sinh năm 2019.
TS Cao Xuân Liễu

Đây là những ngành theo dự báo hiện tại và trong những năm tới thị trường lao động có nhu cầu cao và ổn định. Ngoài ra, bên cạnh hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, Học viện Quản lý Giáo dục sẽ xét tuyển dựa vào học bạ của thí sinh cho tất cả các ngành đào tạo.

TS Cao Xuân Liễu cho biết thêm, cùng với việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để công tác tuyển sinh đạt chất lượng và hiệu quả cao, Học viện đã định kỳ rà soát điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, thiết kế các học phần mới gắn với yêu cầu thực tiễn xã hội. Đồng thời tăng tỉ lệ đáng kể phần tiếng Anh, tin học, tăng giờ thực hành, thực tế cho sinh viên. Vì vậy, trong những năm vừa qua, tỉ lệ sinh viên của Học viện Quản lý Giáo dục có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp khá cao, được các doanh nghiệp và xã hội đón nhận.

 Ảnh minh họa/ INT

Cân nhắc kỹ trước khi đăng ký xét tuyển

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), về cơ bản phương thức tuyển sinh năm 2020 của nhà trường vẫn ổn định như năm trước và có thay đổi một vài yếu tố kỹ thuật. Chẳng hạn như: Bổ sung xét tuyển kết hợp có chứng chỉ đánh giá năng lực theo chuẩn quốc tế. Về mã tuyển sinh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở thêm một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và nhu cầu quốc tế hóa. Về chỉ tiêu, trường cơ bản ổn định chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước.

Lưu ý học sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia đồng thời đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, PGS Bùi Đức Triệu chia sẻ: Có thể nói, những năm vừa qua, quy chế tuyển sinh khá ổn định và đã có tính quy luật. Vì thế, các em cần bình tĩnh, cân nhắc kỹ, không nên vội vàng đăng ký cho xong. Việc cần làm lúc này là tập trung vào học tập thật tốt để đạt được kết quả như mong muốn.

“Các em nên đăng ký theo nguyện vọng và mạnh dạn đăng ký theo sở trường, thế mạnh của mình. Nếu vẫn như năm ngoái, các em có hai đợt đăng ký xét tuyển (một đợt vào khoảng tháng 4 và sau khi các em có kết quả thi THPT quốc gia, các em sẽ tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng một lần nữa.

Các em nên sử dụng phương thức online và tham khảo ý kiến của các anh/chị khóa trước và các thầy cô giáo của mình để đăng ký vào ngành học, trường học mà mình tâm đắc nhất” – PGS Bùi Đức Triệu chia sẻ, đồng thời khuyến cáo: Các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng xét tuyển, nên tập trung đăng ký trong khoảng 5 – 6 nguyện vọng. Các em cứ đăng ký theo nguyên tắc 3 bậc: Bậc cao hơn, bậc ngang bằng và bậc thấp hơn so với tổ hợp điểm của mình. Áp dụng nguyên tắc này, cơ hội trúng tuyển của các em sẽ cao hơn.

“Các em có thể lựa chọn học nghề, không nhất thiết phải học đại học. Qua theo dõi cho thấy, hiện nay xu hướng học nghề của các em rất mạnh, nhiều em có điểm cao cũng lựa chọn học nghề, vì đây cũng là một lựa chọn tốt”.
                                                                           PGS Bùi Đức Triệu

Nguồn: GD&TĐ