TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG HÀ NỘI: ĐÀO TẠO ĐÁP ỨNG TỐT YÊU CẦU CỦA THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

0
1899
http://daibieunhandan.vn/dao-tao-dap-ung-tot-yeu-cau-cua-thi-truong-lao-dong

Phù hợp chủ trương phân luồng học sinh

– Được biết, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội là một trong những trường tiên phong thực hiện mô hình đào tạo 9+, ông có thể chia sẻ đôi chút về việc thực hiện mô hình này?

– Hiện tại, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội có hơn 40 ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của thành phố Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung.

Từ năm 2016, Nhà trường tổ chức thực hiện việc tuyển sinh và phối hợp đào tạo hệ hai văn bằng (mô hình 9+) cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Cụ thể học sinh được học song song 2 chương trình “chương trình Giáo dục THPT và chương trình Giáo dục Nghề nghiệp”. Sau 4 năm học, học sinh được nhận 2 văn bằng (bằng tốt nghiệp THPT do Sở giáo dục và Đào tạo cấp và bằng tốt nghiệp cao đẳng chính quy do Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội cấp bằng).

– Qua thời gian triển khai, ông có thể chia sẻ về ưu, nhược điểm của mô hình này?

– Mô hình này thực sự phù hợp chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của Nhà nước. Với loại hình đào tạo này nhà trường đào tạo kiến thức văn hóa đầy đủ và trong đó xác định có những môn học trọng tâm: Giáo dục công dân, tin học ứng dụng, ngoại ngữ. Như vậy, đối tượng tốt nghiệp THCS vừa được học văn hóa, vừa được học nghề.

Hiện nay nhiều nhà trường cũng áp dụng mô hình này. Tuy nhiên, điều khác biệt của trường chúng tôi là đào tạo văn hóa THPT do Trường THPT Hoàng Mai đảm nhiệm. Do vậy việc quản lý toàn diện học sinh của nhà trường từ những vấn đề ý thức, đạo đức, nề nếp, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp đã được đưa vào quy chuẩn chung của nhà trường. Từ đó, trình độ kiến thức của học sinh được nâng cao.

Chú trọng đào tạo ngoại ngữ, cam kết đầu ra

– Như ông chia sẻ, với loại hình đào tạo này nhà trường đào tạo kiến thức văn hóa đầy đủ và trong đó xác định có môn học trọng điểm là Ngoại ngữ. Ông có thể nói rõ hơn về công tác đào tạo ngoại ngữ của nhà trường?

– Đúng vậy, để tạo điều kiện để học sinh sau khi tốt nghiệp có thể đi du học nghề vừa làm vừa học, đi xuất khẩu lao động theo chương trình liên kết của nhà trường với các đối tác tại các nước như  Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cannada, Đức… Trường chúng tôi ngoài đào tạo tiếng Anh còn đào tạo thêm ngoại ngữ 2 như: tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Pháp… Chương trình đào tạo ngoại ngữ được thiết kế phù hợp lồng ghép giữa Giáo viên nhà trường với Giáo viên bản ngữ, đào tạo theo đơn đặt hàng xuất khẩu lao động, du học của từng đơn vị. Chương trình đào tạo được bám theo quá trình học tập của học sinh, giúp việc học ngoại ngữ được thường xuyên, liên tục và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

– Việc làm sau khi ra trường luôn là vấn đề được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm. Đối với Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội, vấn đề có việc làm sau tốt nghiệp đã được đặt ra như thế nào, thưa ông?

– Với mô hình đào tạo khép kín của nhà trường hiện có: Trung tâm du học, Công ty Xuất khẩu lao động Công thương Hà Nội đáp ứng được đầu ra theo nhu cầu, nguyện vọng của người học.

Để hạn chế sinh viên thất nghiệp khi ra trường và giúp doanh nghiệp tuyển được lao động có tay nghề, tôi khẳng định, doanh nghiệp và nhà trường cần phải có sự phối hợp chặt chẽ. Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, trường chúng tôi đã chọn cho mình lối đi riêng, đã “bắt tay” chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Cụ thể, chúng tôi cam kết đào tạo cho các học sinh, sinh viên sau khi ra trường “biết làm việc và làm được việc” theo đúng ngành các em đã đăng ký học tập tại trường. Nhờ vậy mà, trong khi nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, học sinh tốt nghiệp từ trường chúng tôi vẫn có thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng.

– Xin cám ơn ông!

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân