GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP KHỞI SẮC

0
1332

Giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh quanh năm nhưng nhiều trường CĐ đã tuyển đủ chỉ tiêu và tập trung nâng chất lượng.

Năm học 2018-2019 là năm thứ 2 thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang có sự phân hóa mạnh trong đó chứng kiến nhiều trường CĐ tiếp tục đột phá với việc tuyển đủ chỉ tiêu và điểm số đầu vào khá cao.

Tại Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP HCM), năm học 2018-2019 trường đã tuyển được 5.741 học sinh – sinh viên đạt 105% chỉ tiêu, nâng quy mô đào tạo của trường lên 14.756 học sinh – sinh viên. Kết quả trên thể hiện rõ vị thế, uy tín và thương hiệu của trường ngày càng được củng cố trong xã hội.

Sinh viên Khoa Điện công nghiệp, Trường CĐ Lý Tự Trọng đang thực hành.
Sinh viên Khoa Điện công nghiệp, Trường CĐ Lý Tự Trọng đang thực hành.

Tại Trường CĐ Cao Thắng, trong số 9 ngành tuyển sinh năm 2018 có 5 ngành điểm trúng tuyển từ 15,50 đến 17,50; 4 ngành có điểm trúng tuyển từ 13,50 đến 14,75. Với mức điểm chuẩn này, đại diện nhà trường cho biết trường đã tuyển đủ chỉ tiêu từ tháng 8.

Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, mức điểm trúng tuyển cho 11 ngành đào tạo dao động từ 12 đến 14 điểm. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm 2018 trường tuyển đủ 3.300 chỉ tiêu từ tháng 8. Tại Trường CĐ Viễn Đông, hằng năm trường có 2.000 chỉ tiêu và kết quả tuyển sinh đã đạt từ cuối tháng 10…

Có được kết quả tuyển sinh ngày càng tốt, nhiều trường đã đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm học sinh – sinh viên tốt nghiệp thích ứng nhanh với yêu cầu công việc. Bên cạnh đó các trường đã tích cực tiếp thị, quảng bá hình ảnh đến người học và phụ huynh.

Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho rằng muốn phát triển thì các trường phải làm tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, phải bảo đảm sinh viên ra trường có việc làm và được doanh nghiệp đánh giá cao. Muốn làm được việc đó, nhân tố quan trọng quyết định đào tạo chính là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tại Trường CĐ Lý Tự Trọng, trên 83% giảng viên có trình độ sau ĐH. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường cũng được đẩy mạnh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để cải thiện điều kiện làm việc, giảng dạy và học tập.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết kết quả tuyển sinh năm 2018 đến thời điểm này chưa đạt chỉ tiêu nhưng nhiều trường, đặc biệt là khối CĐ đã tuyển đủ, thậm chí dư chỉ tiêu với chất lượng đầu vào của thí sinh ngày càng tốt. Điều này cho thấy tâm lý chuộng bằng cấp của người học đang thay đổi, thay vào đó, học sinh quan tâm nhiều đến việc trang bị kiến thức, kỹ năng và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nguồn: Dân trí