Gia đình – nhân tố quan trọng, giáo viên – nhân tố quyết định

0
1100

Ngay từ năm 1994, cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Richard W. Riley đã nỗ lực hợp tác với hơn 400 gia đình, tổ chức giáo dục, khoa học, cộng đồng, tôn giáo và các doanh nghiệp để phát triển dự án nâng cao chất lượng học tập của học sinh mang tên “Strong families, strong schools” (Gia đình vững mạnh, nhà trường vững mạnh). Mô hình nhà trường thân thiện gia đình, nhà trường thân thiện cộng đồng là một bước tiến lớn, đòi hỏi người dân bắt tay vào việc học và tự học – không chỉ vì con em mình, mà còn vì bản thân.

Tuy nhiên, chất lượng giáo viên vẫn là yếu tố được chú trọng. Việc đề cao trách nhiệm của giáo viên được xác định như sau:

– Mọi giáo viên đều có quyền tham gia quá trình đào tạo giáo viên ban đầu và hoạt động đào tạo liên tục nhằm phát triển chuyên môn, qua đó giáo viên sẽ được cung cấp kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho việc dạy dỗ một “dân số” học sinh ngày càng đa dạng với những nhu cầu giáo dục, xã hội và sức khỏe khác nhau.

– Mọi giáo viên đều có cơ hội liên tục tiếp thu kiến thức cùng các kỹ năng bổ sung cần thiết để có thể giảng dạy tốt nội dung của từng môn học.

– Mọi tiểu bang và cấp quận/huyện phải kiến tạo được các chiến lược tích hợp nhằm thu hút, tuyển chọn, chuẩn bị, tái đào tạo và hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên, nhà quản lý giáo dục cùng các nhà giáo dục khác, để hình thành nguồn nhân lực gồm nhà giáo chuyên nghiệp hết sức tài giỏi có thể giảng dạy những nội dung đầy thách đố.

– Thiết lập các mối hợp tác, bất cứ lúc nào có thể, giữa các cơ quan giáo dục ở địa phương, học viện giáo dục cao cấp, phụ huynh học sinh, giới lao động, kinh doanh cùng các hiệp hội nghề nghiệp ở địa phương, nhằm cung cấp và hậu thuẫn các chương trình phát triển chuyên môn cho nhà giáo.

Năm 1997, lần đầu tiên trong lịch sử tiểu bang, Sở Giáo dục Alaska đã xác nhận và công bố 8 tiêu chuẩn cụ thể về kỹ năng và khả năng dành cho giáo viên và những ai công tác trong ngành giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy, bao gồm:

1. Người thầy phải mô tả được triết lý giáo dục của nhà sư phạm và nhấn mạnh được sự liên quan của triết lý đó với tác vụ dạy học của mình.

2. Người thầy phải thông hiểu cách thức mà qua đó học sinh học hỏi và phát triển, cũng như áp dụng những điều này trong tác vụ dạy học của mình.

3. Người thầy phải dạy cho học sinh biết cách tôn trọng các đặc tính cá nhân và văn hóa của riêng họ.

4. Người thầy phải nắm rõ lĩnh vực nội dung dạy học của mình cũng như các phương pháp để giảng dạy nội dung này.

5. Người thầy phải tạo cơ hội, giám sát và đánh giá quá trình học của học sinh.

6. Người thầy phải kiến tạo và duy trì một môi trường học tập mà trong đó tất cả học sinh và nguồn lực xã hội tham gia đóng góp tích cực.

7. Người thầy phải thực hiện tác vụ của mình với tư cách một người cộng tác với cha mẹ, gia đình và cộng đồng.

8. Người thầy phải tham gia đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của nhà trường, địa phương, đất nước.

Bên cạnh đó tại các trường đại học của Mỹ, trước kỳ thi hết môn, mỗi sinh viên được phát mẫu “đánh giá giảng dạy”. Sinh viên được nhận xét về những điều bổ ích hay chưa bổ ích của môn học, ưu điểm và nhược điểm của môn học, ưu điểm và nhược điểm của người dạy. Giáo sư không được can thiệp vào đánh giá này.

Đây là một hình thức xả “stress” mà các đại học Mỹ dành cho sinh viên. Đại học cũng có thể, trong một chừng mực nhất định, dựa trên những đánh giá của sinh viên để thay đổi một phần nội dung môn học, khiến cho nó dễ được thu nhận hơn. Một số đại học thông báo lại cho giáo sư bản tổng hợp đánh giá của sinh viên đối với bài giảng của mình.