CHỌN NGHỀ 2021: NGÀNH DIGITAL MARKETING LUÔN “ĐÓI” NHÂN SỰ

0
2136

Khi các nền tảng thương mại điện tử ngày càng phát triển, ngành công nghệ thông tin càng “khát” nhân lực, đặc biệt là ở lĩnh vực Digital Marketing mới nổi gần đây.

Từ ngày 24/4 – 10/5 các thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Những định hướng, dự báo ngành nghề theo xu hướng và đảm bảo đầu ra là điều mà các thí sinh quan tâm.

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, trong xu thế nhiều ngành nghề đang dần bị thay thế. Việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu lao động của xã hội quyết định hơn 70% tương lai của mỗi thí sinh. Vì vậy giai đoạn này thí sinh cần đưa ra lựa chọn phù hợp nhất để không rơi vào tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Trong danh sách những ngành nghề “hot” nhất hiện nay, ngành Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Xây dựng, Logistics, Tư vấn tâm lý xã hội, Công nghệ thực phẩm… luôn nằm trong top đầu từ nhiều năm nay, sự xuất hiện của ngành Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số trên Internet) dần trở thành dẫn đầu xu hướng với nhu cầu nhân sự hơn 10.000 người/năm (Theo dự báo của Trung tâm Nhân lực TPHCM) tính riêng khu vực TPHCM.

Khi có quá nhiều người lựa chọn theo học những ngành nghề “hot” quen thuộc thì Digital Marketing là phương án mới để thí sinh xem xét lựa chọn.

Đầu ra không còn là nỗi lo

Lĩnh vực lao động và việc làm đang trải qua nhiều thay đổi lớn do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tiêu cực bởi “đại dịch” Covid-19. Theo đó, lĩnh vực Digital Marketing luôn trong tình trạng “đói” nhân sự ở hiện tại và tương lai.

Bởi sự phát triển của Internet cũng như công nghệ trong thời đại 4.0 đã thay đổi hoàn toàn cách thức khách hàng tìm kiếm thông tin và ra quyết định mua hàng. Điều này đóng vai trò như chất xúc tác cho sự phát triển của Digital Marketing, trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch marketing tổng thể của các doanh nghiệp.

Lý do khiến ngành Digital Marketing tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng là biểu thị số người dùng Internet ở Việt Nam là 68,72 triệu người, chiếm hơn 70% dân số (theo báo cáo từ Hootsuite và We are Social về xu hướng Digital tại Việt Nam năm 2020 – 2021).

Có thể thấy tần suất sử dụng Internet và tương tác trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam ngày càng tăng. Chính vì thế, Digital Marketing sẽ luôn được áp dụng vào các chiến lược quảng cáo, tiếp thị nhằm gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cũng như ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của khách hàng.

Đặc biệt, trong tương lai, với sự phát triển của nhiều công nghệ mới như AI, Big Data thì Digital Marketing càng trở nên quan trọng trong kế hoạch marketing. Vì vậy sau khi ra trường, vấn đề đầu ra sẽ không trở thành mối bận tâm lớn nhất của các cá nhân.

Thu nhập “khủng”

Theo báo cáo từ First Alliances về mức lương trung bình các ngành nghề tại Việt Nam năm 2021, mức lương của vị trí Digital Marketing Manager với khoảng 3 năm kinh nghiệm là từ 1.500 đến 2.000 USD (tương đương 34 đến 46 triệu đồng). Với số năm kinh nghiệm 10 năm trở lên, vị trí Marketing Director có mức lương từ 5.000 đến 7.000 USD (tương đương 115 đến 161 triệu đồng).

Đây là mức lương không hề nhỏ tại thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do tác động chính trị và dịch bệnh như hiện nay.

Digital Marketing là một khái niệm rất rộng và được chia nhỏ thành nhiều công cụ marketing khác nhau. Tùy theo nguyện vọng và năng lực của bản thân, thí sinh có thể lựa chọn làm việc chuyên sâu tại các marketing agency về một trong những công cụ của digital marketing. Cụ thể, tiếp thị truyền thông xã hội là việc sử dụng các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội như Youtube, Facebook, Instagram, LinkedIn hay Zalo để quảng bá về sản phẩm hay dịch vụ.

Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn làm việc tại các phòng ban liên quan đến marketing của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), điện tử, du lịch và dịch vụ, công nghệ, giáo dục, ngân hàng…

Trịnh Trang