DOANH NGHIỆP NÓI GÌ VỀ LẦN ĐẦU TIÊN CÓ TRƯỜNG ĐÀO TẠO “NGHỀ GIÚP VIỆC”?

0
1303
Ông Đinh Trường Giang - PGĐ CTCP Phát triển Quốc tế IDC đang phỏng vấn ứng viên có nhu cầu xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: NVCC

GDVN- Công ty chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển dụng những cử nhân tốt nghiệp mã ngành này trong tương lai bởi nhu cầu xã hội hiện nay đang rất cần.

Thông tin trường Cao đẳng Công thương Hà Nội mở ngành đào tạo “Dịch vụ chăm sóc gia đình” đang gây không ít sự tò mò.

Được biết, trường này mở ngành này với mục tiêu: Đào tạo người lao động có năng lực làm việc độc lập, biết ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật và có sức khoẻ để làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc gia đình chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động trong và ngoài nước; hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đi du học hoặc xuất khẩu lao động ở nước ngoài… thông qua các nội dung chương trình đào tạo, các kiến thức, kỹ năng cần thiết gắn với thực tiễn và phù hợp với mục đích của người học nhằm cung cấp đội ngũ nhân lực cho nhiều vị trí khác nhau như: Dịch vụ chăm sóc tại gia đình ( giúp việc nhà; chăm sóc người già, người ốm, trẻ nhỏ; Dịch vụ chăm sóc tại các Trung tâm cung ứng dịch vụ chăm sóc gia đình, các cơ sở dưỡng lão, các cơ sở dịch vụ chăm sóc các đối tượng xã hội, người tàn tật, làng SOS, tự mở các cơ sở hoặc trung tâm cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình, nghề nội trợ, nghề tự chăm sóc và quản lý gia đình; xuất khẩu lao động ra nước ngoài…

Ông Đinh Trường Giang – PGĐ CTCP Phát triển Quốc tế IDC đang phỏng vấn ứng viên có nhu cầu xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Theo kỳ vọng của cơ sở đào tạo, điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội đang thiếu những người giúp việc được đào tạo một cách chuyên nghiệp mà còn tạo định hướng đúng đắn cho người học thực sự coi đây là một nghề nghiệp nghiêm túc, có thể gắn bó phát triển lâu dài.

Trước thông tin về việc sẽ có trường đào tạo “nghề giúp việc gia đình”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Trường Giang – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển quốc tế IDC cho biết: “Hiện nay thị trường lao động trong và ngoài nước, đặc biệt khu vực châu Á như Đài Loan, thị trường Trung Đông như Ả rập Xê út, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, hay Dubai là một trong những thành phố lớn của các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất có nhu cầu rất lớn về nghề giúp việc gia đình được đào tạo về chuyên môn tay nghề, đặc biệt là về ý thức làm việc.

Thực tế cho thấy người Việt Nam mình ra nước ngoài làm việc được đánh giá hơi kém về ý thức, nhiều người đi làm giúp việc nhưng khó tiếp cận với các thiết bị máy móc công nghệ phục vụ sinh hoạt trong gia đình; chưa thuần thục về kĩ năng.

Đặc thù của ngành giúp việc gia đình là phạm vi làm việc nhỏ trong gia đình nên cần thuần thục hơn các nghề khác. Việc trường có cơ sở giáo dục đào tạo nghề mở ngành đào tạo “Dịch vụ chăm sóc gia đình” sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm thiểu quy trình đào tạo. Người lao động sẽ bài bản, chuyên nghiệp hơn”.

Được biết, theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và xã hội thì các doanh nghiệp đưa người lao động đi xuất khẩu cần trang bị kiến thức, đào tạo chuyên môn đúng theo quy định, kết hợp với học ngôn ngữ nước sở tại mà người lao động sẽ làm việc. Tuy nhiên không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất cũng như tính đồng bộ trong việc đào tạo. Đối với các cơ sở cung ứng người lao động trong nước, việc tuyển dụng người lao động đã được đào tạo qua trường lớp càng có giá trị trong công tác quản lý và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Vũ Duy Phúc – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và thương mại dịch vụ Hồng Phúc đánh giá cao việc mở ngành đào tạo “ Dịch vụ chăm sóc gia đình”.

“Công ty chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển dụng những cử nhân tốt nghiệp mã ngành này trong tương lai bởi nhu cầu xã hội hiện nay đang rất cần những người lao động trẻ được đào tạo bài bản, có ý thức đạo đức thực sự coi đây là một nghề chính tạo ra thu nhập chứ không chỉ dành cho những người trung niên, thời gian làm việc không cố định như trước đây”.

Thời đại công nghệ 4.0 yêu cầu người làm ngành dịch vụ cần không ngừng trau dồi kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Việc đưa ngành “Dịch vụ chăm sóc gia đình” vào mô hình đào tạo chính quy góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động, vừa giúp nhà tuyển dụng có thêm một nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nhằm nâng cao trình độ lao động cung cấp cho khách hàng, tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Thu Trang