Sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng ngày càng có nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, việc tuyển sinh ở một số trường cao đẳng vẫn chưa đạt kỳ vọng về chỉ tiêu đề ra. Lý do ở đâu?
Nơi tuyển sinh chậm…
Trong khi các trường đại học gấp rút tuyển sinh để đưa ra ngưỡng điểm chuẩn thì nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề vẫn đang trong tình trạng thiếu sinh viên, học sinh. Đây là nỗi lo chung của không ít trường cao đẳng, trung cấp nhiều năm nay.
Theo ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là hơn 2.000 thí sinh, trong đó đào tạo dài hạn là khoảng 1.700 em. Đến nay trường đã tuyển được 80% chỉ tiêu đề ra.
Ông Phạm Xuân Khánh cho biết, với cách tuyển sinh ở các trường đại học như hiện nay, học sinh vẫn có tâm lý ưu tiên chọn học đại học hơn là vào giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, thời gian xét tuyển đại học kéo dài đến tháng 2/2021 dễ khiến nhiều bạn trẻ chỉ coi các trường thuộc mảng giáo dục nghề nghiệp là sự lựa chọn sau cùng, khi không đỗ vào các trường đại học.
“Với mức chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên của các trường đại học như hiện nay, cùng với chủ trương mở rộng đầu vào – thắt chặt đầu ra đối với sinh viên. Con số lao động trẻ theo học nghề ở các trường nghề sẽ không cao. Tuy vậy, chúng tôi cũng có những thế mạng riêng trong việc tuyển sinh để đảm bảo so với chỉ tiêu đặt ra”, ông Khánh cho hay.
Trao đổi thêm vấn đề này với PV, ông Nguyễn Phong Tân – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội – cho biết : “Chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2.400 sinh viên. Nhưng đến nay, số lượng hồ sơ nộp về trường mới được khoảng 30% chỉ tiêu”.
Theo ông Nguyễn Phong Tân, đa số các trường cao đẳng tuyển sinh chậm hơn các năm. Nguyên nhân có nhiều, nhưng chính yếu là do các trường đại học chưa tuyển sinh xong và những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
“Tuy nhiên, ưu điểm của việc tuyển sinh ở các trường cao đẳng là có thể diễn ra quanh năm. Cứ đủ nhân sự là có thể mở lớp. Sinh viên học theo phương thức đào tạo tín chỉ, khi nào tích lũy đủ tín có thể ra trường nên không bị hạn chế về mặt thời gian” – ông Nguyễn Phong Tân cho biết thêm.
… nguồn việc khá ổn định
Tuyển sinh có thể chưa sôi động, nhưng nguồn việc cho sinh viên lại được nhiều đại điện trường cao đẳng tự tin.
Ông Nguyễn Phong Tân cho biết, hiện nay, nhà trường đang liên kết với khoảng gần 20 doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng.
Trong thời gian học tập tại trường, sinh viên có cơ hội được thực hành tại các doanh nghiệp, làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp.
Có đến 90% sinh viên ra trường có việc làm ngay tại các doanh nghiệp thực tập. Còn lại là các em theo học lên tiếp hay chuyển sang làm việc ở một lĩnh vực khác. Mức lương tối thiểu của các em sinh viên từ 5 -10 triệu đồng/tháng.
Cũng theo ông Nguyễn Phong Tân, định hướng của nhà trường dành cho học sinh đầu vào là tăng cường ngoại ngữ và thực hành nghề để đáp ứng với lao động thị trường hiện tại.
Những ngành đào tạo được sinh viên đăng ký nhiều là công nghệ thông tin, chế biến món ăn, kỹ thuật điện tử. Đây là những ngành nghề tương đối hấp dẫn trên thị trường hiện nay.
Tại trường Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội, tỉ lệ sinh viên ngành kỹ thuật và du lịch có việc làm là gần 100%.
Ông Nguyễn Xuân Sang – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ và thương mại Hà Nội – cho biết: “Khoảng 80% sinh viên ra trường không có nhu cầu theo học liên thông Đại học mà chủ yếu là làm ở các doanh nghiệp bên ngoài. Hiện nay, các nhà tuyển dụng chú trọng nhiều hơn đến năng lực, tay nghề của các em. Đây là một tín hiệu đáng mừng với sinh viên học nghề sau khi ra trường”.
Còn với ông Phạm Xuân Khánh, lợi thế của nhà trường hiện nay là đảm bảo đầu ra cho sinh viên trong trường, đào tạo ra những nhân lực đáp ứng với nhu cầu của thị trường.
“Từ năm 2019 đến nay nhà trường cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm tại các doanh nghiệp. Năm 2020, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường khoảng 95%. Những ngành đang thu hút sinh viên theo học hiện nay chủ yếu ở các ngành cơ khí, điện tử, sửa chữa ô tô, các ngành nghề về chăm sóc sắc đẹp” – ông Phạm Xuân Khánh cho biết.
Đây là những ngành nghề có nhu cầu việc làm cao, nhiều khóa sinh viên trước ra trường không đủ để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp.