Theo thống kê của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tỷ lệ thí sinh (TS) xét theo các tổ hợp có môn tiếng Anh trúng tuyển ngày càng cao.
PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng trước đây TS trúng tuyển theo khối A00 chiếm đa số (khoảng 2/3 tổng số) nhưng gần đây tụt xuống vị trí thứ 2, thay vào đó là xu thế vươn lên của các tổ hợp có môn tiếng Anh. Ông Triệu cho rằng trường không ưu tiên tiêu chí xét tuyển tiếng Anh vì qua thực tế cho thấy từ nhiều năm nay, tiếng Anh không là vấn đề với sinh viên trường này. Rất nhiều sinh viên của trường có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên.
Tiến sĩ Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, cho biết trường chỉ đặt ra yêu cầu cụ thể về năng lực tiếng Anh với TS đăng ký xét tuyển vào các chương trình tiên tiến, chương trình quốc tế. Theo bà Hương, hiện nay TS học đều hơn, thường những học sinh giỏi tự nhiên cũng giỏi cả tiếng Anh.
PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết năm nay trường sẽ chú ý tiêu chí tiếng Anh trong quá trình xét tuyển nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc đưa ra chính sách ưu tiên cộng điểm cho những TS có các chứng chỉ quốc tế tiếng Anh. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 trường sẽ có thông báo chính thức về việc này. Ngoài ra, với những chương trình quốc tế (dạy bằng tiếng Anh), năm nay trường sẽ xét tuyển thẳng TS có điểm SAT, A level… “Đưa ra chính sách này, chúng tôi muốn tận dụng cơ hội tuyển được thí sinh giỏi tiếng Anh, để các em có chuẩn đầu ra tiếng Anh dễ dàng hơn. Việc tuyển thí sinh có trình độ đầu vào tiếng Anh thấp, việc đào tạo sau đó để giúp các em đạt chuẩn đầu ra là mất rất nhiều thời gian”, PGS Trần Trung Kiên nói.