Tuyển sinh 2020: Các cơ sở phải thực hiện tuyển sinh đúng quy định

0
689

Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được đẩy thời gian chậm lại so với năm 2019 một tháng, nhưng thời điểm này, các cơ sở giáo dục ĐH khắp cả nước vẫn tiến hành đúng kế hoạch công tác chuẩn bị tuyển sinh ĐH cho năm tới. Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi năm nay không có nhiều thay đổi, nhưng các trường cũng phải lưu ý những điều chỉnh kỹ thuật, đồng thời nghiêm túc tuyển sinh đúng quy định, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh hậu kiểm.

Hiện các trường ĐH đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2020 với nhiều phương thức xét tuyển. Cơ bản với các trường đã công bố đề án tuyển sinh thì việc xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia vẫn chiếm đa số.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT): Các cơ sở đào tạo cần thực hiện việc tuyển sinh đúng quy định; xác định phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, xây dựng chính sách chất lượng đầu vào… và chịu trách nhiệm giải trình. Mặt khác, các trường phải xây dựng, công bố đề án tuyển sinh đủ nội dung, đúng thời hạn, công khai các phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh, mức điểm nhận đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cho từng phương thức/ngành, nhóm, khối ngành theo quy định. Trước và trong thời gian điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh ĐKXT vào trường.

Tuyển sinh năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh hậu kiểm. Ảnh: Khánh Huy

Đối với công tác tuyển sinh, trước mắt các cơ sở đào tạo tham gia góp ý hoàn thiện các quy định về tuyển sinh và thống nhất phương án kinh phí xét tuyển 2020 với các Sở GD&ĐT. Cùng với đó, rà soát, có kế hoạch chuẩn bị điều động giảng viên đúng đối tượng, đủ số lượng tham gia kỳ thi THPT quốc gia theo quy định. Rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020. Xây dựng đề án tuyển sinh năm 2020 và thực hiện lịch tuyển sinh chung.

Ở mùa tuyển sinh 2020, theo tinh thần Dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành đào tạo giáo viên mầm non, căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, ngành sức khỏe, còn các ngành khác, ngưỡng đảm bảo đầu vào do các trường quyết định. Hai năm qua, các trường ĐH được Bộ giao quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở các điều kiện do Bộ đưa ra. Song song với việc tăng tính tự chủ cho các trường ở vấn đề tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường hậu kiểm.

Thực tế là trong mùa tuyển sinh năm 2019, vẫn còn có những trường vi phạm về quy định tuyển sinh. Theo ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT thì một số sai phạm đó bao gồm: Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường ĐH do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy nên tăng chỉ tiêu đào tạo rất cao nhưng đội ngũ giảng viên lại không đúng năng lực thực tế. Có trường khai 1.000 giáo viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh, nhưng thực tế chưa có từng ấy.

Về chế tài xử lý cơ sở giáo dục ĐH nếu vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Trường đó sẽ bị trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh 5 năm tiếp theo. Cùng với đó, Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định. Hàng năm, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra công tác tuyển sinh. Trong quá trình thanh tra, sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện sai phạm nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH trong bối cảnh tự chủ như hiện nay. Đây là những việc làm cụ thể để tiến hành công tác hậu kiểm sau tuyển sinh.

Hậu kiểm là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Hiện nay, người học và xã hội quan tâm đến chất lượng đầu ra, chất lượng nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là bao nhiêu và tỷ lệ sinh viên có việc làm. Mấy năm gần đây, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở công khai chất lượng đầu ra trong đề án tuyển sinh. Ngoài ra, trong đề án sẽ cung cấp tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong vòng 12 tháng.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020 năm nay cho thấy các trường ĐH sẽ phải làm việc nhiều hơn. Tháng 3-2020, các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh. Đề án này sẽ có nhiều thông tin và dữ liệu hơn so với năm 2019. Cụ thể, các trường phải xác định cả phương thức tuyển sinh đối với các loại hình đào tạo: Chính quy, hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2… Đồng nghĩa với đó là tăng trách nhiệm giải trình.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo, các trường cần đề cao trách nhiệm xã hội và khẳng định uy tín của trường đối với thí sinh và xã hội thông qua mức yêu cầu chất lượng đầu vào do trường xác định; tránh tình trạng vì quy mô, nguồn tuyển mà hạ thấp chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín của trường, đến toàn hệ thống và chất lượng nguồn nhân lực.