Thi trên máy tính: Đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết

0
791

Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), để tổ chức thành công thi trên máy tính từ năm 2021, cần phải có 5 nhóm điều kiện căn bản. Trong đó quan trọng nhất là chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, xây dựng Test sites (địa điểm tổ chức). Nhiều ý kiến ủng hộ phương án thi này nhưng băn khoăn cũng không ít khi thời gian từ giờ đến đó, liệu có kịp chuẩn bị các điều kiện này?

Thi trên máy tính: Đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Tăng cường đầu tư cho các địa phương khó khăn

Theo Đề án tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) hệ chính quy năm 2018 được Bộ GDĐT công bố, từ năm 2021, các môn thi THPT quốc gia sẽ được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới và các thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính.

Trước phương án này, có ý kiến lo ngại việc nhiều học sinh miền núi, ở các địa phương còn khó khăn thì sẽ chịu thiệt thòi khi không có máy tính để làm quen. Tuy nhiên, theo ông Trinh, chủ trương của Bộ GDĐT đó là không gây sốc cho thí sinh. Những nơi nào thuận lợi sẽ thực hiện trước, còn những nơi nào chưa thi được trên máy sẽ thi trên giấy theo nguyên tắc giảm dần việc thi trên giấy và mở rộng việc thi trên máy tính trên quan điểm phù hợp và công bằng cho tất cả thí sinh.

Như vậy, phương án này hoàn toàn có tính khả thi khi việc thi trên máy tính trước hết mới là thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện chứ không phải ngay lập tức bắt buộc tất cả các địa phương phải thực hiện cùng lúc sẽ tạo thiệt thòi cho một bộ phận học sinh.

Ưu điểm của việc thi trên máy tính rất rõ là các em có thể biết điểm ngay sau khi thi, hạn chế tiêu cực trong khâu chấm thi.

Đặc biệt, việc được thi nhiều đợt trong năm và lấy kết quả của lần thi cao nhất sẽ giúp giảm áp lực của kỳ thi THPT quốc gia, tạo điều kiện cho học sinh thuận lợi hơn hiện tại rất nhiều khi các em chỉ có một kỳ thi với kết quả được sử dụng để xét tuyển ĐH, CĐ vẫn có tính may rủi nhất định. Nếu được thi nhiều đợt, chắc chắn không thể có chuyện em học giỏi mà làm 5 bài thi đều kém và ngược lại. Đó cũng sẽ là một lần đánh giá thực chất việc học của học sinh đó ra sao để các em cố gắng hơn ở các lần sau.

Để đảm bảo công bằng thì lộ trình để các địa phương thực hiện được phương án thi trên máy tính, PGS.TS Phạm Tất Dong, thành viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho rằng trước hết, cần được gấp rút lên kế hoạch và ban hành, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương còn khó khăn. Thứ hai là triển khai tập huấn cho cán bộ giáo dục tại các trường để các cán bộ này có thể tập huấn cho học sinh kỹ năng làm bài thi trên máy tính. Chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ nếu không sẽ lạc hậu.

Tập dượt ngay từ bây giờ

Nhìn nhận những việc phải làm, ông Mai Văn Trinh cho rằng có rất nhiều việc cần phải chuẩn bị để đảm bảo có thể thực hiện được phương án thi trên máy tính. Ngoài việc chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, xây dựng Test sites (địa điểm tổ chức) hiện cũng đang là một trong những vấn đề trọng tâm được Bộ GDĐT triển khai. Trên cơ sở nền tảng các trường ĐH hiện nay, sẽ hình thành dần ở các vùng miền Test sites phù hợp với điều kiện thực tiễn. Sẽ làm dần với tinh thần “nhanh nhưng không vấp, không vội vàng” bảo đảm thành công và quan trọng là duy trì tổ chức song hành cả thi trên giấy và máy tính, đặc biệt phải hướng đến quyền lợi của thí sinh.

Để làm được điều đó, ngay cả các thí sinh đã sử dụng máy tính thành thạo cũng cần phải được tập dượt kỹ không chỉ về mặt kỹ năng thao tác mà cả kiến thức nền tảng. Bởi ngoài các bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ giữ ổn định như năm 2019. Các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) sẽ cấu trúc lại câu hỏi theo chuẩn đầu ra của chương trình. Trong đó, phương án tích hợp 3 môn vào 1 bài thi thay vì 3 môn riêng rẽ trong tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội như hiện nay có thể sẽ khiến thí sinh nếu chưa được tập dượt kỹ càng sẽ cảm thấy lúng túng. Cần sự làm quen thành thục và lứa học sinh tốt nghiệp từ năm 2021 trở đi cần chuẩn bị tâm thế, kỹ năng để sẵn sàng với sự thay đổi này. Chính Sở GDĐT, các nhà trường cũng cần chủ động lên phương án để học sinh dần tiếp cận với các hình thức thi còn mới mẻ này.

Như tại một số trường THPT như Nguyễn Du, Lê Quý Đôn (TP HCM)… học sinh và giáo viên đã bắt đầu làm quen với các bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính từ một năm trở lại đây. Học sinh cũng có cơ hội tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM nên cũng phần nào bớt bỡ ngỡ.

Xu hướng quốc tế là tổ chức kỳ thi trên máy tính. Trong thời gian chuẩn bị từ nay cho đến thời điểm dự kiến năm 2021 bắt đầu thí điểm và mở rộng dần hình thức thi trên máy tính, giảm dần hình thức thi trên giấy, ngành giáo dục còn rất nhiều việc phải làm. Không thể không khởi động ngay từ bây giờ…

Thu Hương