Virus Covid-19 cho đến nay được xác định chủ yếu là lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, bằng những giọt nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng những thiết bị trung gian như smartphone có thể khiến bạn gặp nguy hiểm.
Trên thực tế, sự nhiễm bẩn bề mặt thậm chí được xem là nguyên nhân chính gây ra sự bùng phát của Covid-19 trong một số trường hợp, điển hình như trên con tàu du lịch Diamond Princess với 2.666 hành khách, chứ không phải do lây nhiễm qua đường hô hấp.
“Đối với đồng và thép, virus thường tồn tại khoảng 2 giờ. Trên các bề mặt khác như giấy hoặc nhựa thì sẽ lâu hơn và chúng tôi vẫn đang nghiên cứu việc này”, ông Robert Redfield – Giám đốc Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết.
Mới đây, Rudra Barkappanavar, nhà miễn dịch học tại Trung tâm Khoa học sức khỏe của trường Đại học Tennessee (Mỹ) đã tiết lộ một thông tin gây “sốc”, đó là những bề mặt kính, đặc biệt là màn hình điện thoại có thể là nơi trú ẩn của virus Covid-19 tới 96 giờ trong điều kiện nhiệt độ phòng.
Theo lý thuyết, virus sẽ vô cùng dễ dàng “dính” lên màn hình nếu như một ai đó ho hoặc hắt hơn bên cạnh trong lúc bạn đang sử dụng điện thoại. Từ đó, bạn có thể vô tình chạm vào virus khi đang lướt mạng xã hội, sau đó chạm vào mũi, hoặc miệng.
Nghiên cứu được thực hiện bởi hãng nghiên cứu thị trường Dscout (Mỹ) cho thấy, trung bình một người mở điện thoại để sử dụng khoảng 2.600 lần mỗi ngày, cộng thêm 76 lần thực hiện các thao tác phụ như cuộn trang, kiểm tra email,…
Một nghiên cứu khác cho biết một người trung bình chạm vào khuôn mặt của họ khoảng 23 lần mỗi giờ, hoặc 368 lần nếu như họ di chuyển. Rõ ràng, những thói quen này cho thấy việc đưa virus từ màn hình smartphone lên gần các bộ phận như mắt, mũi, miệng là điều vô cùng dễ xảy ra. Trong khi nhiều nghiên cứu trước đó cũng khẳng định màn hình điện thoại thậm chí nhiều vi khuẩn, virus hơn cả bồn cầu vệ sinh.
Tuy nhiên, một điều may mắn đó là chúng ta có thể dễ dàng loại trừ mối nguy hại này bằng cồn y tế, khăn lau kháng khuẩn để vệ sinh smartphone, cũng như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Ngoài ra, dùng đèn UV để chiếu cũng có thể làm sạch bề mặt điện thoại nhanh chóng, dù chi phí cho thiết bị này là khá cao.
Nguồn: Dân trí