NHỮNG LƯU Ý “VÀNG” KHI ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ CHO HỌC SINH

0
1032
Học sinh trường THPT Phan Đình Phùng trong một buổi nghe tư vấn hướng nghiệp tại trường.

Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý đợi đến khi con học cuối cấp thì mới định hướng nghề nghiệp cho con. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng việc này cần phải làm càng sớm càng tốt.

Phân luồng học sinh từ sớm

Hiện tại, học sinh khối 12 đang chuẩn bị bước sang học kỳ 2 của năm học 2020 – 2021. Đây cũng là thời điểm nước rút để các em có sự cân nhắc để đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình thông qua những bộ hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, để có thể đưa ra một quyết định đúng đắn, phù hợp với bản thân thì không phải em nào cũng làm được. Sợi dây liên kết giữa khả năng của bản thân với nhu cầu xã hội cần phải được định hình rõ. Do đó, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thể hiện qua khâu định hướng phân luồng từ khi các em mới bắt đầu tuyển sinh vào lớp 10, đó là việc phân ban.

Học sinh trường THPT Phan Đình Phùng trong một buổi nghe tư vấn hướng nghiệp tại trường.

Các thầy cô sẽ phân tích, giải đáp, đối thoại để phụ huynh và học sinh hiểu rõ về lựa chọn Phân ban A hay D cho phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi em.

Phải có kế hoạch giảng dạy định hướng nghề nghiệp cho cả ba khối lớp, kết hợp các phương pháp hiệu quả như dạy trên lớp, dạy theo chuyên đề, dạy tích hợp trong các môn như GDCD, Lịch sử, Địa lý…

Thông qua các câu lạc bộ của học sinh, GVCN và gia đình hiểu rõ các em có điểm mạnh, điểm yếu, những đam mê, sở thích gì với các ngành nghề. Quan điểm về định hướng nghề nghiệp là nên hiểu “nghề chọn người – người chọn nghề”.

Ngoài ra, đơn vị này cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh trong năm học như: Thử làm sinh viên, nông dân, công dân, thăm các nhà máy, xưởng, tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, ngày hội khởi nghiệp… Kết hợp các trường đại học trong và ngoài nước tổ chức mỗi năm/lần một ngày hội hướng nghiệp ngay tại trường.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội)

Định hướng nghề phải dựa trên số liệu chuẩn

Là một chuyên gia theo dõi mảng giáo dục, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, có rất nhiều điểm cần lưu ý khi chúng ta lựa chọn ngành nghề cho mình, song các em cần cân nhắc hai yếu tố chính.

Thứ nhất, các em cần lựa chọn ngành xuất phát từ việc cân nhắc nghề nghiệp theo cá tính, tính cách và giá trị mà mình mong muốn. Vì nghề đi theo mình suốt cuộc đời nếu không phù hợp thì mình sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi làm việc và cũng rất khó để thành công, thăng tiến bền vững trong sự nghiệp.

Thứ hai, khi chúng ta lựa chọn trường, hay nghề thì các em cần phải mở rộng diện lựa chọn. Việc đầu tiên là các em nên lựa chọn lĩnh vực chuẩn.

Từ lựa chọn lĩnh vực thì mới loại trừ được những lĩnh vực mà chúng ta thực sự không có năng lực hay không hiểu biết về nó.

Trên cơ sở lĩnh vực, tiếp đến chúng ta chọn ngành, sau đó chọn nghề và cuối cùng là chọn trường.

Khi chọn trường, cần phải quan tâm đến các yếu tố như: Uy tín của trường, cơ sở vật chất, học phí, điều kiện học tập tốt xem có phù hợp với mức điểm và năng lực không thì lúc đó ta mới lựa chọn.

Thị trường công việc sẽ thay đổi rất nhanh, có rất nhiều nghề mất đi và những nghề mới chưa có trong hình dung của chúng ta ra đời. Việc định hướng nghề nghiệp cho các em sẽ không được phép cảm tính, dựa trên quan điểm hoặc nhìn nhận của một cá nhân nào mà phải dựa trên số liệu.

Đó là số liệu khách quan về chỉ số thông minh, trí tuệ cảm xúc, năng lực tư duy phản biện, động cơ đạt thành tích cao, khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp, thiên hướng nghề nghiệp, xu hướng nhân cách cá nhân.

Đó là những số liệu phân tích khoa học về nhu cầu nghề nghiệp của xã hội theo thời gian thực; mô tả yêu cầu vị trí công việc liên quan đến trình độ nhận thức, kỹ năng, thái độ và các năng lực chuyên biệt khác.

Thậm chí cả phân tích về mức thu nhập trung bình tương ứng với từng nghề nghiệp và vị trí việc làm.

Các em cũng cần ý thức rằng tương lai sau này chúng ta học một ngành nhưng có thể ra trường làm ở nhiều vị trí công việc, ngược lại để có thể làm tốt ở 1 vị trí công việc (trong bối cảnh biến đổi yêu cầu công việc nhanh chóng cùng sự cạnh tranh của máy móc) thì cần phải học tập từ nhiều ngành và học tập suốt đời.

Để thành công trong tương lai, hiện tại mỗi cá nhân cần rèn luyện mô hình năng lực hình chữ T (với thanh ngang là các kỹ năng mềm, năng lực tự học, kỹ năng sáng tạo, thích ứng linh hoạt, tinh thần lãnh đạo, năng lực công dân số; cùng thanh dọc là kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực như tâm lý, giáo dục, tài chính, marketing…). Năng lực chữ T càng lớn, cá nhân đó càng thành công.

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

Xây dựng phần mềm tuyển sinh một cửa

Chia sẻ với chúng tôi, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho hay, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, năm học 2020 – 2021, trường đã tuyển sinh và đào tạo được hơn 5.700 học viên, trong đó có 901 sinh viên cao đẳng; 2.468 học viên sơ cấp và 2.186 học viên ở các hệ đào tạo khác.

Để có được kết quả này, nhà trường đã xây dựng và áp dụng thành công phần mềm tuyển sinh một cửa chạy trên nền tảng App và Web của thiết bị di động từ tháng 6/2020. Mỗi thí sinh chỉ cần đăng ký thông tin cá nhân sẽ được nhà trường tư vấn và gửi thông tin chính thức của trường đến cho các em.

Thông qua các buổi livestream giới thiệu về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo thông qua nền tảng trực tuyến, các em học sinh có thêm một kênh thông tin tham khảo để lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân.

Đình Cường