Những con đường khác vào lớp 10: Học cao đẳng, trung cấp để sớm có nghề nghiệp

0
1019

Từ 2 – 3,5 năm, người học vừa có trình độ văn hóa THPT vừa có kỹ năng nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động. Con đường học nghề dành cho học sinh hết lớp 9 nhưng không vào lớp 10 công lập rộng mở.

Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề tại Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 /// MỸ QUYÊN

Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề tại Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2

Vừa học văn hóa vừa học nghề

Trong những năm qua, hầu hết các trường trung cấp và hàng loạt trường CĐ đã đào tạo mô hình 9+ dành cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS. Đây cũng chính là định hướng phân luồng của Chính phủ với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.
Tiến sĩ Phạm Đức Khiên, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Hằng năm, số lượng tốt nghiệp THCS vào Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM khoảng 800 em, học các ngành nghề đang có nhu cầu việc làm cao như kế toán, công nghệ thông tin, may mặc, điều khiển tự động hóa, điện tử… Trong 2 năm, các em sẽ học các môn chuyên ngành, đồng thời học 4 môn văn hóa theo quy định gồm toán, văn, lý, hóa. Em nào muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì đăng ký học 7 môn văn hóa. Sau khi có bằng trung cấp, nếu có nhu cầu học cao lên thì các em học thêm 1,5 năm để lấy bằng CĐ”.
Trong khi đó, tại Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, mỗi năm có khoảng 550 HS tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề. Thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng, chia sẻ: “Các em không vào lớp 10 công lập có 2 hướng để lựa chọn. Một là học chương trình 30 tháng, trong đó 6 tháng học văn hóa gồm các môn toán, lý, văn, sinh. Sau khi hoàn thành, các em sẽ được cấp bằng trung cấp. Hướng thứ 2 là học 36 tháng, trong đó học đủ 8 môn văn hóa để thi tốt nghiệp và học nghề để có bằng trung cấp. Các em muốn lấy bằng CĐ thì học tiếp một năm”.
Tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết hằng năm trường dành 160 chỉ tiêu cho HS không vào lớp 10 công lập. Hiện rất nhiều trường CĐ như Lý Tự Trọng, Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex, Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, Quốc tế TP.HCM, Viễn Đông… và các trường trung cấp như Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương, Việt Giao, Phương Nam, Bến Thành… đều có đào tạo nhiều ngành nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Được miễn học phí, sớm tham gia thị trường lao động

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đánh giá: “Thời gian qua, việc tuyển sinh theo mô hình 9+ đã thu hút được đông đảo HS sau tốt nghiệp THCS vào học nghề. Các em có rất nhiều lợi thế khi chọn học chương trình này, vì ngành nghề học đa dạng, phong phú và trong cùng một thời gian học tập, các em vừa có trình độ văn hóa THPT để có thể học liên thông lên trình độ cao hơn, vừa có trình độ kỹ năng nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động”.
Ngoài ra, tiến sĩ Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, cho biết theo quy định, HS tốt nghiệp THCS đi học nghề được nhà nước hỗ trợ 100% học phí ở giai đoạn học trung cấp. “Như vậy, trong khoảng 3,5 năm các em lấy được 2 bằng để tham gia thị trường lao động và có một nghề nghiệp, thu nhập ổn định từ rất sớm, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí học tập. Theo quy định, các em hoàn toàn có thể liên thông lên các trình độ cao hơn ở trong và ngoài nước”, tiến sĩ Chương nói.
Không chỉ vậy, tại nhiều trường, các HS còn được doanh nghiệp quan tâm và hỗ trợ học bổng, việc làm. Thạc sĩ Vũ Văn Đông chia sẻ: “Hiện nay trường còn đang được Tổ chức Dariu (Thụy Sĩ) hỗ trợ học bổng cho các em tốt nghiệp THCS đi học nghề. Học xong cơ hội việc làm rất lớn vì nhu cầu tuyển dụng cho những đối tượng này rất nhiều. Đặc biệt là các ngành nghề như tin học ứng dụng, thiết kế và quản lý website, vẽ thiết kế mỹ thuật có trợ giúp bằng máy tính, công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông…”.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo, trung bình mỗi năm có khoảng 480.000 HS tốt nghiệp THCS không vào học các trường THPT. Trong đó, có khoảng 100.000 em vào học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và chỉ dưới 90.000 em vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nhiệp. “Nếu như các em còn lại đều chọn hướng học nghề, được đào tạo kỹ năng lao động thì sẽ tránh được sự lãng phí nguồn lực và giảm được rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội”, tiến sĩ Vinh nhận định.
Ít quan tâm học nghề do vẫn đặt nặng bằng cấp
Số liệu tổng hợp của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS. Các em được định hướng vào 4 luồng chính gồm: học tiếp lên THPT, học lên trung cấp, vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên và trực tiếp đi làm kiếm sống. Phần lớn ở các tỉnh, thành đều có HS học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%…
Chọn luồng giáo dục nghề nghiệp hiện vẫn chưa được quan tâm nhiều. Theo ông Vũ Xuân Hùng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó tâm lý phụ huynh và HS còn nặng về bằng cấp, phần lớn vẫn muốn con em mình sau THCS đi học tiếp THPT để vào ĐH. Ngoài ra, chính sách miễn học phí cho người tốt nghiệp THCS vào học nghề vẫn còn bất cập, chỉ áp dụng đối với việc học trung cấp, không áp dụng cho việc học văn hóa THPT và học lên trình độ CĐ. Đồng thời chính sách sử dụng, tôn vinh người học nghề vẫn còn một số rào cản.
                                                                                                                                                           Nguồn: Thanhnien.vn