NHÂN VIÊN ĐIỀU DƯỠNG CÓ XU HƯỚNG CHỌN VIỆC Ở KHỐI Y TẾ TƯ NHÂN

0
758

Dân trí – Thu nhập của nghề điều dưỡng trong lĩnh vực y tế công lập không tương xứng với những áp lực công việc, một bộ phận điều dưỡng đang có xu hướng dịch chuyển sang y tế tư nhân.

Công việc áp lực, thu nhập không tương xứng

Đó là một trong những nội dung được Tiến sĩ – Điều dưỡng Trần Thị Châu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam – chia sẻ trong Hội thảo khoa học điều dưỡng diễn ra tuần qua tại TPHCM.

Nghề điều dưỡng luôn phải xông pha ra những tuyến đầu trong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh và đối mặt với nhiều rủi ro

Công tác điều dưỡng quyết định đến hơn 50% tỷ lệ thành công trong điều trị cho các bệnh nhân tại cơ sở y tế. Chức năng, nhiệm vụ của người điều dưỡng được quy định cụ thể với những công việc vừa phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị vừa mang tính độc lập theo quy trình chăm sóc người bệnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, bác sĩ lâu nay xem điều dưỡng như người giúp việc.

Tiến sĩ Trần Thị Châu cho biết: “Các bác sĩ thường nghĩ rằng mình là người có quyền quyết định và chỉ đạo điều dưỡng trong công việc chứ không phải để người điều dưỡng tự chủ. Đây là một trong những hệ quả để lại từ thời chiến tranh, bác sĩ chỉ gì người y tá làm cái đó. Tuy nhiên, trong giai đoạn chiến tranh, trình độ chuyên môn của y tá rất hạn chế do thời gian đào tạo gấp rút nên bác sĩ gần như phải cầm tay chỉ việc cho y tá”.

Ngày nay, điều dưỡng viên được đào tạo chuyên nghiệp với trình độ theo chương trình đào tạo chuẩn đủ tự tin để làm việc ngay sau khi ra trường.

Nghề điều dưỡng không chỉ được đào tạo theo chuẩn trong nước mà còn phát triển theo hướng quốc tế, sẵn sàng đáp ứng, cung cấp nhân sự cho khu vực và các quốc gia toàn cầu. Chuẩn đào tạo điều dưỡng của Việt Nam hiện tại thấp nhất là bậc Cao đẳng.

Một điều dưỡng đang phải cũng lúc chăm sóc cho rất nhiều bệnh nhân, công việc nặng nhọc và áp lực cao

Những điều dưỡng đang công tác tại các bệnh viện sẽ đào tạo theo chuẩn quy định để tiếp tục công việc, thế hệ điều dưỡng mới cũng được đào tạo đủ chuẩn về trình độ chuyên môn, bằng cấp.

Nghề điều dưỡng đang ngày càng hoạt động mang tính độc lập trong lĩnh vực y khoa với tinh thần tự chủ ở mức cao hơn bằng trình độ, kỹ năng và sự chuyên nghiệp của mình.

Đến nay, vị thế của điều dưỡng viên trong lĩnh vực y tế đang từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, nghề điều dưỡng đang phải chịu rất nhiều áp lực do sự quá tải người bệnh tại các bệnh viện thuộc hệ thống y tế công lập.

Điều dưỡng viên thường phải trực theo ca, cuộc sống bất ổn theo công việc, ít có thời gian chăm sóc gia đình nhưng thu nhập không tương xứng.

Xu hướng dịch chuyển công việc 

“Một điều dưỡng đang cùng lúc phải chăm sóc nhiều người bệnh, điều này đòi hỏi trách nhiệm ở mức rất cao nhưng cũng kéo theo sự cố, sai sót trong quá trình hành nghề cũng gia tăng mức độ rủi ro nghề nghiệp” – Tiến sĩ Trần Thị Châu chia sẻ.

Theo phân tích của Tiến sĩ, giữa đam mê nghề nghiệp và trách nhiệm trong công việc, sự kỳ vọng của xã hội và người bệnh nhưng sự đáp ứng vì thiếu nhân sự của nghề điều dưỡng chưa tương xứng dẫn tới những mâu thuẫn trong chính chức năng, nhiệm vụ, công việc của người điều dưỡng

Trong mọi tình huống của bệnh nhân, điều dưỡng luôn là người trực chiến, hỗ trợ, chăm sóc

Những khó khăn trên khiến lĩnh vực điều dưỡng trong ngành y đang có sự dịch chuyển. Đào tạo một điều dưỡng mất thời gian từ 3 đến 4 năm nhưng những khó khăn trong công việc khiến một bộ phận không đủ sức để theo đuổi đam mê.

Rất nhiều điều dưỡng ở hệ thống y tế công lập đã bỏ nghề sang làm nghề khác có thu nhập cao nhưng vẫn đảm bảo hạnh phúc gia đình hoặc chuyển sang làm thẩm mỹ việc nhẹ, lương cao.

Tiến sĩ Trần Thị Châu cho biết: “Thực tế tại khoa Điều dưỡng, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho thấy, các khóa điều dưỡng đang trong thời gian đào tạo nhiều bệnh viện đã có nhu cầu tiếp nhận tuy nhiên, trường không có nhân lực để cung ứng. Sinh viên ngành Điều dưỡng chưa ra trường đã đi làm thêm tại các phòng khám tư nhân, cơ sở thẩm mỹ hoặc bệnh viện tư… đến khi ra trường họ chỉ nộp bằng vào để đủ điều kiện ký hợp đồng chính thức”.

Xu hướng dịch chuyển công việc trong lĩnh vực điều dưỡng trên thực tế đang diễn ra

Công việc không áp lực, nhàn hơn nhiều so với y tế công lập, thu nhập cao hơn nhưng ít nguy cơ sai sót chuyên môn… đang là thế mạnh của hệ thống y tế tư nhân thu hút được lực lượng điều dưỡng. Bên cạnh đó, một bộ phận điều dưỡng đang có xu hướng “xuất ngoại”.

Tay nghề của điều dưỡng Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào, bên cạnh đó là sự tận tâm với công việc và yêu nghề.

Trong khi nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng ở nhiều quốc gia đang tăng cao, thu nhập hấp dẫn, những điều dưỡng vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ có xu hướng tìm kiếm công việc ở các quốc gia khác, nguy cơ “chảy máu” nhân lực điều dưỡng có thể sẽ đến trong tương lai gần.

Vân Sơn