Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch bệnh đang được Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương hết sức tập trung thực hiện. Ngành Lao động -Thương binh và Xã hội trong đó có hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng đang triển khai rất khẩn trương, tập trung ở mức độ cao nhất để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh đồng thời đảm bảo công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo kịp với kế hoạch đề ra và đạt chất lượng.
Trong thời gian vừa qua, để hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với tình hình của dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Trong đó, đặc biệt là việc hướng dẫn các sở Lao động -Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về công tác quản lý, tổ chức dạy học, kiểm tra và đánh giá trong đào tạo trực tuyến tại Công văn số 1301/LĐTBXH-TCGDNN ngày 14/04/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhằm đảm bảo hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đúng theo kê hoạch và đạt chất lượng. Một số nội dung chính trong Công văn như sau:
Cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiêp được quyền tự chủ trong việc điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo phù hợp với tình hình bệnh dịch kéo dài và nghiên cứu, giảm bớt các nội dung không cần thiết trong chương trình đào tạo đảm bảo mục tiêu đào tạo theo quy định; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tuyển sinh, tổ chức đào tạo (đào tạo trực tuyến).
Ngoài việc được quyền tự chủ lớn trong việc tổ chức đào tạo, điều chỉnh giảm tải chương trình đào tạo như đã nêu trên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn được tự chủ nhiều nội dung trong đào tạo trực tuyến như vấn đề quản lý đào tạo trong đào tạo trực tuyến; tổ chức lớp học trực tuyến; thời gian giảng dạy, chế độ làm việc của nhà giáo và nhất là công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến.
Theo đó, việc kiểm tra, thi kết thúc mô đun, môn học trực tuyến ngoài việc thực hiện trực tiếp, tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở GDNN còn được thực hiện theo hình thức gián tiếp và trao toàn quyền cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định về hình thức, cách thức và quy trình tổ chức thi, kiểm tra nhưng phải bảo đảm yêu cầu theo quy định.
Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ hoặc thi, kiểm tra kết thúc mô đun, môn học theo hình thức trực tuyến (trực tiếp hoặc gián tiếp) được công nhận giá trị tương đương như đối với các hình thức kiểm tra, đánh giá truyền thống. Kết quả kiểm tra, đánh giá trực tuyến được ghi vào bảng điểm trong hồ sơ học tập và công nhận trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, được dùng làm cơ sở cho việc tham gia đánh giá kỹ năng nghề và công nhận để tiếp tục học liên thông với các trình độ đào tạo khác.
Để bảo đảm chất lượng trong đào tạo trực tuyến thì yêu cầu cũng được đặt ra là việc kiểm tra, đánh giá trong đào tạo trực tuyến phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch, đánh giá được đúng năng lực của học sinh, sinh viên và tránh được các hiện tượng gian lận nhất là đối với việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến gián tiếp.
Đào tạo trực tuyến là một hình thức rất mới đối với GDNN. Tuy đã có hành lang pháp lý quy định về vấn đề này, nhưng trong thực tiễn triển khai, nhiều cơ sở GDNN vẫn còn có những lúng túng. Có thể nói, hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn trong việc quản lý, tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá trong đào tạo trực tuyến, giúp các địa phương, cơ sở GDNN tăng tính chủ động trong tổ chức đào tạo, ứng phó tốt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.