Cơ hội cho đào tạo trực tuyến

0
1425

Những ngày gần đây, ảnh hưởng của Covid-19 đã thực sự tạo cơ hội cho phương pháp đào tạo trực tuyến bùng nổ. Nhiều nơi, các trường sử dụng phần mềm có sẵn trên mạng để tổ chức các lớp học; nhưng với Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội thì khác, ngay khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, trường đã đi trước một bước trong việc ứng dụng Công nghệ 4.0 vào giảng dạy. “Không ngờ, những bước đi mạnh dạn này đã trở thành cứu cánh cho chúng tôi trong đại dịch Covid-19”, Hiệu trưởng Nhà trường ĐỒNG VĂN NGỌC chia sẻ!

E – Learning và 3 năm rốt ráo chuẩn bị

– Để thay đổi một hệ thống các phương pháp giảng dạy truyền thống sang một phương pháp hoàn toàn mới lạ, hiện đại, chắc chắn Nhà trường phải giải quyết cả một núi công việc, thưa ông?

– Đấy là điều chắc chắn! Trường Cao đẳng Cơ điện chúng tôi đã phải chuẩn bị trong vòng 3 năm với các bước đi, lộ trình bài bản và đồng bộ.

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề nghiên cứu công nghệ! Để xây dựng được hệ thống trực tuyến E – Learning, cần phải có một giải pháp tổng thể, đồng bộ; có tính mở và được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Hệ thống quản lý phần mềm này phải được thiết lập như một nhà trường, có hệ thống quản trị từ ban giám hiệu mà người đứng đầu là hiệu trưởng cho đến các phòng, khoa, thầy cô giáo rồi tới các lớp học. Tất cả các khâu, chuỗi này đều được số hóa và được quản trị chặt chẽ.

Sau khi giải quyết được bài toán công nghệ thì đến khoản đầu tư. Chúng tôi đầu tư một khoản tiền lớn để mời một doanh nghiệp đủ tầm, đủ công nghệ để cùng với nhà trường xây dựng hệ thống E – Learning. Chúng tôi vừa xây dựng, vừa thử nghiệm cho từng hoạt động một. Cách làm này giúp chúng tôi xử lý kịp thời các vấn kỹ thuật còn vướng mắc. Và, tới nay hệ thống này đã được vận hành thành công tại cả 3 cơ sở của Nhà trường.

Vấn đề quan trọng tiếp theo là giúp giảng viên làm chủ được công nghệ. Nhà trường đã tổ chức các lớp đào tạo, các giảng viên đã và sẽ được đào tạo các kỹ năng để vận hành một lớp học trên hệ thống đào tạo trực tuyến E – Learning.

– Còn đối với sinh viên thì sao, thưa ông?

– Khi đã làm đủ các bước như vậy chúng tôi sẽ tiến hành chuyển tài liệu cho sinh viên. Sinh viên trước khi tham gia lớp học trực tuyến sẽ nghiên cứu và học tập qua tài liệu bản mềm. Từ việc: Học gì, làm gì, phát biểu như thế nào, nộp bài ra sao tất cả các sinh viên đều được tập huấn.

Điểm quan trọng hiện nay là vấn đề công nghệ lưu trữ và đường truyền. Một ngày chúng tôi dạy 3 ca (tương đương 90 lớp/ngày) thì đường truyền phải bảo đảm thông suốt, âm thanh và hình ảnh không bị lệch. Do đó, về cơ sở dữ liệu chúng tôi sử dụng 2 công nghệ, một là công nghệ đám mây I-cloud; hai là đầu tư server – một máy chủ riêng của nhà trường để quản trị, quản lý và bảo đảm tính an toàn bảo mật. Bước đầu tư đồng bộ này sẽ không chỉ giúp Nhà trường dễ dàng chuyển từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến mà còn mở ra phương pháp đào tạo không biên giới – tức là Nhà trường có thể mời giáo viên giỏi từ nước ngoài tham gia giảng dạy, nếu học viên có nhu cầu, hoặc Nhà trường thấy cần thiết.

Hiện nay, Nhà trường chỉ áp dụng học E – Learning ở 3 nội dung, thứ nhất là các môn học chung (chính trị, pháp luật); thứ 2 là môn học cơ bản của các ngành nghề; thứ 3 là môn tiếng anh hay tin học. Phần lý thuyết chuyên môn của tất cả các nội dung học nghề (chiếm 20% chương trình học) cũng được đào tạo trực tuyến. Kết thúc mùa dịch, nhà trường sẽ kiểm tra đánh giá, nếu học sinh học sót buổi nào nhà trường sẽ đào tạo miễn phí để các em nắm được lý thuyết.

– Trong tương lai, khi hết dịch, E – Learning sẽ được Nhà trường sử dụng như thế nào?

– Cùng với việc triển khai giảng dạy trực tuyến, Nhà trường cũng chuẩn bị các kịch bản để đánh giá đào tạo trực tuyến mạnh ở điểm gì và hạn chế ở điểm gì để có điều chỉnh phù hợp với việc học và dạy của Nhà trường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc đào tạo trực tuyến và trở thành một ngôi trường thứ 2 trên môi trường không gian mạng. Theo đó, các môn học chung sẽ đào tạo trên hệ thống E – Learning nhằm giúp sinh viên ban ngày học tập ở doanh nghiệp, tối về học online; giúp những người đang đi làm ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tham gia học tập. Thứ nữa là mở những lớp ngắn hạn để bổ sung kiến thức lý thuyết, trừ các môn cần có sự thực hành và cảm nhận bằng các giác quan khác, Nhà trường sẽ đưa xuống giảng dạy trực tiếp ở các phòng học đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại.


Giờ học trực tuyến trên nền tảng E – Learning của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

“Chúng tôi không thu them bất cứ khoản nào”

– Làm thế nào để đánh giá được tác động của hệ thống E – Learning đối với các học sinh, thưa ông?

– Hiện nay hệ thống của chúng tôi có công nghệ kiểm tra đánh giá sinh viên. Mỗi ngày, phần mềm sẽ báo cáo cho hiệu trưởng về số lượng sinh viên tham gia học. Thầy cô nào, học trò nào đi muộn, về sớm đều có báo cáo. Phần mềm cũng có ứng dụng hỗ trợ thầy cô giao lưu với sinh viên, tổ chức hoạt động nhóm và phát biểu như trên lớp bình thường. Bên cạnh đó, hệ thống có đầy đủ chức năng thi và đánh giá, thầy cô có thể đưa các câu hỏi vào ngân hàng đề thi, phần mềm cũng có chức năng tráo đề thi và các thầy cô chấm điểm như bình thường.

– Sinh viên trường nghề có khó khăn gì khi học trực tuyến?

– Thực ra khó khăn từ phía nhà trường sẽ nhiều hơn. Đó chính là ở chỗ, làm sao để bảo đảm chất lượng cho sinh viên. Đào tạo nghề khác nhiều so với đào tạo hàn lâm ở các trường đại học khác. Nhà trường phải đào tạo bằng thiết bị thật, công nghệ thật chứ không chỉ trình chiếu và diễn thuyết bằng lời giảng của thầy cô.

– Học phí trong mùa dịch nhà trường tính toán ra sao?

– Học phí hoàn toàn không thay đổi. Dù học online hay học tại lớp, chúng tôi không thu thêm bất cứ khoản nào để tạo điều kiện cho sinh viên đến trường khi kết thúc mùa dịch.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: gdnn.gov.vn