HỌC QUẢN TRỊ KINH DOANH PHẢI AM HIỂU CÔNG NGHỆ

0
903
Rất đông học sinh yêu thích và lựa chọn theo học ngành quản trị kinh doanh.
Dân trí – Mua bán trực tuyến đã khẳng định được vị thế trong hoạt động kinh doanh. Do đó, người học quản trị kinh doanh sẽ rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường lao động nếu không có kỹ năng về công nghệ.

 

Công nghệ và ngoại ngữ là mấu chốt

Nhiều năm gần đây, quản trị kinh doanh luôn là ngành thu hút học sinh trong nhóm ngành kinh tế. Đây cũng là ngành có nhiều cơ hội việc làm và khả năng thăng tiến nhanh, cơ hội tự lập nghiệp cũng nhiều nên thu hút học sinh theo học.

Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Cư, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bình Minh Sài Gòn cho biết: “Ngành quản trị kinh doanh nghe mới mẻ, lạ lẫm nhưng thật ra đây là nghề quen thuộc, đã có từ xa xưa đến giờ. Mọi công việc đều có yêu cầu quản lý, nhỏ thì là quản lý gia đình, lớn hơn thì quản lý doanh nghiệp…”.

Theo ông, quản trị kinh doanh là ngành đào tạo cho người học có trình độ hiểu biết và nhận thức về hoạt động kinh doanh, quản lý và điều hành một doanh nghiệp.

Rất đông học sinh yêu thích và lựa chọn theo học ngành quản trị kinh doanh.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng, Trưởng Khoa Kinh tế trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn giải thích rõ hơn: “Nội dung cốt lõi của chương trình học ngành này là đào tạo sinh viên nắm vững kiến thức và biết cách vận dụng lý thuyết vào thực tế công việc quản trị một tổ chức trong các lĩnh vực trọng yếu như kinh doanh, nhân sự, tài chính – kế toán, marketing, kho vận (logistics)…”.

Đặc biệt, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng lưu ý học sinh chọn ngành này phải yêu thích để có thể học thêm công nghệ và ngoại ngữ. Ông nói: “Sinh viên ngành này phải đầu tư học thêm tin học và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng anh”.

Trưởng Khoa Kinh tế trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn lý giải: “Sự bùng nổ của công nghệ đã làm thay đổi tư duy của người dân nên việc giao dịch, mua bán trực tuyến đã dần khẳng định được vị thế trong hoạt động kinh doanh. Cho nên sẽ rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường lao động nếu không có kỹ năng về công nghệ”.

Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Cư cũng đồng tình: “Trong thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử, làm thế nào để quản lý được doanh nghiệp, phát triển kinh doanh phù hợp với thời đại là điều người học ngành này phải quan tâm”.

Còn về ngoại ngữ, ông Hưng cho đó là lợi thế so sánh của người học quản trị kinh doanh. Bởi hiện kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, nếu không có khả năng tốt về ngoại ngữ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh.

Cơ hội liên thông và nghề nghiệp rộng mở

Theo ông Võ Công Trí, Phó giám đốc Tuyển sinh – Truyền thông trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn, ngành quản trị kinh doanh là một trong số ít ngành có hệ thống đào tạo liên thông với nhiều trình độ nghề khác nhau, từ trung cấp cho đến đại học.

Người học ngành này có thể bắt đầu từ khi tốt nghiệp THCS và mất 2,5 năm để lấy bằng Trung cấp. Sau khi có bằng Trung cấp, người học mất thêm 1,5 năm để liên thông lấy bằng Cao đẳng và thêm 1,5 năm để có bằng Đại học. Ở mỗi cấp trình độ nghề, nếu chưa có điều kiện kinh tế, sinh viên có thể ngừng học để đi làm, khi nào có điều kiện sẽ tiếp tục học nâng cao trình độ.

“Ngày nay, ngoài kiến thức, kỹ năng thì người tuyển dụng lao động còn chú trọng khá nhiều vào thái độ và các kỹ năng mềm. Chính vì vậy, ngoài bồi dưỡng cho các bạn có được tay nghề cao và năng lực chuyên môn tốt, nhà trường còn đào tạo thêm về các kỹ năng và trui rèn về thái độ với nghề. Qua đó tạo ra giá trị cốt lõi, năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động hiện nay”.

Ông Võ Công Trí (Trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn)

 

Về cơ hội nghề nghiệp, thạc sĩ Huỳnh Hoàng Cư, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bình Minh Sài Gòn khẳng định: “Nhu cầu quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh trong giai đoạn phát triển kinh tế sắp tới cực kỳ cần thiết. Ngành này sắp tới sẽ rất thu hút nhân lực, hầu như ngành nào cũng có nhu cầu”.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng cho biết thêm: “Với kiến thức và kỹ năng đa dạng được hấp thụ từ quá trình đào tạo, sinh viên ngành này rất dễ kiếm việc làm trong các doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, siêu thị, quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty bất động sản, nhà hàng, khách sạn… Hơn nữa, sinh viên có thể theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp của mình”.

Theo ông Hưng, người học quản trị kinh doanh mới tốt nghiệp ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc tại các công ty. Cụ thể như nhân viên kinh doanh,  marketing, hành chính – nhân sự, tài chính – kế toán, xuất nhập khẩu..

Sau thời gian làm việc thực tế, cọ xát và tích lũy thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến công việc thì người học có thể đảm nhận được công việc ở vị trí quản lý.

Tùng Nguyên