Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, lộ trình từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.
Theo đó, mức trần học phí của các trường đại học sẽ tăng theo từng năm học. Cụ thể, năm học 2018 – 2019, các trường đại học công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ thực hiện tăng học phí từ 100.000 – 200.000 đồng/tháng/sinh viên so với năm học trước, tùy từng khối ngành. Ví dụ như ngành đào tạo Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm, thủy sản thì mức học phí năm học 2018 – 2019 tăng mức tối đa là 1.850.000 đồng/tháng/sinh viên. Ngành đào tạo khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, khách sạn, du lịch thì mức học phí năm học 2018 – 2019 tăng tối đa là 2,2 triệu đồng/tháng/sinh viên. Ngành đào tạo y, dược có mức học phí tăng tối đa là 4,6 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Học phí là gánh nặng đối với nhiều gia đình ở nông thôn. Ảnh: Lê Hiếu
Riêng với những trường đại học chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (trường ngoài công lập) thì mức trần học phí năm học 2018 – 2019 đối với các khối ngành nêu trên, tăng lần lượt là 810.000 đồng/tháng/sinh viên; 960.000 đồng/tháng/sinh viên và 1.180.000 đồng/tháng/sinh viên.
Mới đây, Bộ GDĐT cũng đề xuất bỏ chính sách miễn học phí với sinh viên ngành sư phạm. Kết quả khảo sát của Bộ GDĐT cho thấy việc được miễn giảm học phí là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng trên 50% sinh viên ngành sư phạm. Tuy nhiên, việc này lại tác động không tốt đến giáo dục hướng nghiệp.