HỌC NGHỀ, 18 – 19 TUỔI ĐÃ CÓ NGHỀ NGHIỆP ỔN ĐỊNH

0
1190
Học nghề pha chế, học viên không chỉ có thể đi làm thuê mà hoàn toàn có thể tự kinh doanh bằng cái nghề mà mình yêu thích (ảnh: Nam Thái).

Dân trí – Với những em lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì khi ra trường lúc 18 – 19 tuổi đã có thể có công việc ổn định, có nghề nghiệp chuyên môn.

Chia sẻ tại chương trình Hướng nghiệp nghề nghiệp và tư vấn tuyển sinh 2021 do Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM tổ chức vào tối 28/5, ông Trần Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hội nhận định việc chọn lựa hướng phát triển tương lai của học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) hiện nay rất thuận lợi, cánh cửa rất rộng lớn.

Theo ông, học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hầu hết sẽ lựa chọn tiến lên cấp học Trung học phổ thông (THPT). Tuy nhiên, theo học THPT thì hiện chỉ có khoảng 70% số em đủ sức để vào trường công, còn lại phải chọn trường tư thục, trường quốc tế có học phí cao.

Ông Tuấn khuyên: “Với những em không có điều kiện kinh tế hay không đủ lực học để theo học THPT thì hoàn toàn có thể tính chuyện học nghề bậc trung cấp, hoặc hệ 9+ của các trường cao đẳng”.

“Với hệ 9+, sau khi học 3,5 năm – 4 năm (tùy ngành) là tốt nghiệp có cả bằng THPT lẫn bằng trung cấp nghề mà mình đăng ký học, dễ dàng học liên thông lên hệ cao đẳng, đại học tại các trường liên kết”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, học sinh tốt nghiệp THCS có rất nhiều con đường để lựa chọn bước vào tương lai.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: “Tham gia học nghề tại hệ thống đào tạo nghề nghiệp thì các em được sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách phân luồng học sinh, phát triển đào tạo nghề của nhà nước nên chi phí học tập rất thấp. Mà học nghề là học thực hành, thường xuyên cọ xát nghề nghiệp nên cơ hội có việc làm ngay khi ra trường rất cao, thu nhập cũng không thấp, 18 – 19 tuổi là đã có nghề nghiệp ổn định”.

Có mặt tại chương trình, thạc sĩ Phạm Thị Châu Hương, Trưởng trung tâm Tuyển sinh & Hỗ trợ việc làm trường Cao đẳng nghề TPHCM cũng chia sẻ là học phí học trung cấp rất thấp nhờ có sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, được hỗ trợ thêm học bổng từ nhà trường và doanh nghiệp, phù hợp với tất cả các em học sinh tốt nghiệp THCS.

Cô Hương cho biết: “Học trung cấp tại trường chúng tôi hầu như được miễn học phí, còn học hệ cao đẳng thì mức học phí cũng chỉ là từ 3,9 triệu đồng mỗi học kỳ cho khối ngành kinh tế, hơn 4 triệu đồng mỗi học kỳ cho khối ngành kỹ thuật công nghệ. Ngoài ra, đối với những em có học lực 7,5 sẽ được nhận học bổng của nhà trường và doanh nghiệp”.

Đối với những học sinh có điều kiện gia đình khó khăn, chịu khó và có chí cầu tiến, trường còn giới thiệu cho các em việc làm bán thời gian tại các doanh nghiệp liên kết để các em trang trải học phí. Trường còn có ký túc xá dành cho học sinh ở xa với mức phí chỉ 100.000 đồng/tháng/học sinh…

Về cơ hội nghề nghiệp, thạc sĩ Phạm Thị Châu Hương khẳng định học viên không cần lo lắng vì hầu như học viên tốt nghiệp trường nghề đều dễ dàng kiếm được việc làm, được trường giới thiệu việc làm và mức thu nhập cũng không thấp.

Cô cho biết: “Từ khi còn đang đi học, trường sẽ giới thiệu các em đến các công ty kiến tập để làm việc theo chuyên ngành mình học. Do đó, khi tốt nghiệp các em đã có thể làm việc thực tế được ngay nên dễ kiếm việc, có khi được chính doanh nghiệp nơi các em kiến tập nhận vào làm việc. Mức lương của học viên trung cấp ngành kỹ thuật công nghệ mới ra trường thường là từ 7,5 triệu đến 10 triệu đồng”.

Học nghề pha chế, học viên không chỉ có thể đi làm thuê mà hoàn toàn có thể tự kinh doanh bằng cái nghề mà mình yêu thích (ảnh: Nam Thái).

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Cơ hội thăng tiến sau này thì hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân các em. Các em càng cần cù và yêu thích công việc, đam mê, học hỏi tìm tòi ngành nghề mình đang làm thì cơ hội thăng tiến luôn có”.

Còn về cơ hội nghề nghiệp với học viên trường nghề, ông Tuấn khẳng định là rất lớn. Ông nói: “Chỉ ngại chúng ta không vận động chứ không sợ không có việc làm. Quan trọng nhất là lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân mình. Có sự phù hợp thì mới có đam mê, kiên trì đeo đuổi và sẽ dẫn đến thành công!”.

“Tại TPHCM, hiện lao động phổ thông chỉ chiếm 10% và tương lai tỷ lệ này sẽ ngày càng thấp và hầu như biến mất, lao động buộc phải có nghề. 90% nhân lực còn lại là có nghề, trình độ từ trung cấp cho đến đại học; trong đó 75% là lao động trình độ trung cấp và cao đẳng. Do đó, có thể thấy nhu cầu lao động có nghề của xã hội là rất lớn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tùng Nguyên

Xem thêm: