ĐIỀU DƯỠNG, NGHỀ “HOT” KHI DỊCH COVID-19 “TUNG HOÀNH” THẾ GIỚI

0
1127
Vị trí của điều dưỡng trong hệ thống y tế ngày càng quan trọng.

Trong các nhóm nghề xuất khẩu lao động thì điều dưỡng là nhóm nhân lực mà các nước tiên tiến đặt hàng nhiều nhất hiện nay, khiến cơ sở đào tạo trong nước không kịp đáp ứng.

Nhu cầu trong và ngoài nước đều cao

Tại buổi tọa đàm “Ngành điều dưỡng trong bối cảnh mới” vừa diễn ra, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM cho biết: “Trong 8 nhóm ngành nghề tự do di chuyển trong Cộng đồng kinh tế ASEAN thì ngành điều dưỡng thuộc nhóm đầu”.

Theo ông Tuấn, không chỉ bó hẹp trong khối ASEAN, điều dưỡng còn là nhóm ngành mà các nước tiên tiến ưa chuộng tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam, nhất là các nước có dân số già và giàu có như Đức, Nhật…  Hàng năm, các đơn vị xuất khẩu lao động có nhu cầu rất nhiều nhưng không tìm ra người.

Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM nói: “Khó khăn lớn nhất của nhân lực nước ta là kém ngoại ngữ. Họ chỉ cần điều dưỡng trình độ trung cấp thôi, nhưng phải giỏi ngoại ngữ mới có thể giao tiếp, chăm sóc người bệnh tốt được”.

Nhu cầu điều dưỡng của các nước đều rất lớn nhưng các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng đủ nhân lực đạt chuẩn để xuất khẩu lao động.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (một đơn vị liên kết đào tạo, cung cấp điều dưỡng cho nhiều nước), cũng đồng tình: “Nhu cầu điều dưỡng của các nước tiên tiến rất lớn nhưng nguồn đào tạo của mình chưa đáp ứng kịp”.

Về nhu cầu điều dưỡng trong nước, ông Trần Anh Tuấn cho biết là không riêng TPHCM mà trên phạm vi cả nước, các cơ sở y tế công lập và dân lập đều thiếu điều dưỡng.

Ông Tuấn cho biết: “Cứ 1 bác sĩ thì phải có 4 điều dưỡng, nhưng tỷ lệ hiện tại ở nước ta mới chỉ là 1 bác sĩ/1,5 điều dưỡng”.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Long phân tích: “Trong đại dịch Covid-19 mới thấy hệ thống y tế cộng đồng, y tế cơ quan của mình còn rất kém. Công ty có F0, F1 không xử lý được, không san sẻ được với hệ thống y tế quốc gia làm cho sản xuất đình trệ, kinh tế đứt gãy…”.

Theo ông, nếu đủ nhân lực ngành điều dưỡng làm nhân viên y tế ở các đơn vị, doanh nghiệp thì tình trạng này sẽ được hạn chế rất nhiều.

“Nếu các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đều có nhân viên y tế thì họ sẽ biết cách phòng dịch, chăm sóc sức khỏe nhân viên như thế nào”, Thạc sĩ Hoàng Quốc Long nhấn mạnh.

Vị trí điều dưỡng ngày càng quan trọng

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, thạc sĩ Lê Thị Chiến, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện đa khoa Bình Phước cho rằng: “Ngày xưa, điều dưỡng được xem như là y tá phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sĩ. Nhưng với sự phát triển của xã hội, thiết bị chữa trị thì vai trò của điều dưỡng đã khác. Họ trở thành cầu nối trung gian giữa bác sĩ và bệnh nhân, truyền và nhận thông tin, đáp ứng phần lớn nhu cầu của người bệnh”.

Theo bà Chiến, công việc của điều dưỡng chiếm đến 2/3 quá trình chăm sóc cho bệnh nhân. Bác sĩ đưa ra y lệnh nhưng việc thực hiện y lệnh hiệu quả hay không thì hoàn toàn phụ thuộc vào điều dưỡng, hầu như mọi tiếp xúc với bệnh nhân đều là điều dưỡng thực hiện.

Nếu điều dưỡng giỏi nghề, tận tụy, biết cảm thông và chia sẻ với bệnh nhân thì công việc điều trị sẽ rất tốt. Bởi vào bệnh viện thì ai cũng lo lắng, đau đớn nên sự quan tâm, thấu hiểu để chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân là rất quan trọng. Khi người bệnh an tâm, tinh thần thoải mái và hợp tác điều trị thì việc chữa trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Vị trí của điều dưỡng trong hệ thống y tế ngày càng quan trọng.

“Đôi khi điều dưỡng chính là bộ mặt của bệnh viện vì họ là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất. Bệnh nhân đánh giá bệnh viện tốt hay không phần lớn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc của điều dưỡng. Dần dần, vị trí của điều dưỡng được cải thiện trong lòng bệnh nhân và hệ thống y tế”, Điều dưỡng trưởng BVĐK Bình Phước nhận xét.

Ông Trần Anh Tuấn cũng có ý kiến: “Nhiều người hay nghĩ điều dưỡng thấp kém hơn bác sĩ. Đó là quan niệm sai lầm”.

Theo ông, điều dưỡng là một hệ thống độc lập chứ không phải là vị trí phục vụ cho bác sĩ. Ngành này có hệ thống đào tạo hoàn thiện theo các cấp bậc nghề từ trung cấp đến sau đại học với nhiều chuyên khoa riêng biệt như hệ thống đào tạo bác sĩ.

“Các điều dưỡng vẫn có thể phát triển kỹ năng nghề của mình, thăng tiến trong công việc. Khi đảm trách các vị trí quản lý, họ còn có thể điều hành các bác sĩ trong những sự vụ, công việc trong hệ thống y tế”, ông Tuấn nói.

Tùng Nguyên