Công tác phân luồng phải gắn chặt với quá trình liên thông

0
1063
Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp chuyên đề góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), cùng với đó là chuỗi các hoạt động lấy ý kiến nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Bộ GD&ĐT. Trong đó, những ý kiến về công tác phân luồng học sinh cần sự xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Góp ý liên quan đến nội dung phân luồng, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – cho rằng: Nghị định 75 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục có quy định cụ thể về phân luồng. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh quy định đó, chắc chắn phân luồng sẽ có chuyển biến.

Tuy nhiên, vấn đề phân luồng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Lý giải, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhắc đến nhiều nguyên nhân, trong đó, một nguyên nhân do chúng ta chưa quan tâm đặt bài toán phân luồng trong mối quan hệ với bài toán liên thông và cả hai cần nhìn trong một bối cảnh mới là học tập suốt đời.

“Bài toán phân luồng phải đặt trong mối quan hệ với bài toán liên thông và cả hai bài toán cần được tìm lời giải trong khuôn khổ của việc xây dựng hệ thống học tập suốt đời. Lý do rất đơn giản: Nếu phân luồng gắn với liên thông thì người học đi vào luồng nghề sẽ không còn cảm thấy đi vào ngõ cụt như trước kia mà vẫn có thể học tiếp ở các trình độ cao hơn; tiếp nữa đặt trong bối cảnh học tập suốt đời sẽ tạo điều kiện và động lực để người lao động nâng cao trình độ theo sở thích, năng lực và điều kiện cụ thể của cá nhân” – TS Phạm Đỗ Nhật Tiến phân tích.

cong tac phan luong phai gan chat voi qua trinh lien thong
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác phân luồng chỉ có kết quả tốt khi gắn với công tác liên thông. (Ảnh: P.T)

Với cách đặt vấn đề như trên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, lời giải của bài toán phân luồng và liên thông phụ thuộc vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện thành công Khung trình độ quốc gia. Vì vậy, để đóng góp về phương diện pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phân luồng và liên thông trong giáo dục, bên cạnh các quy định về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH như trong Nghị định 75, cần bổ sung trách nhiệm của các Bộ đó trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia.

Những năm vừa qua, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học đã từng bước được quán triệt trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành và đã đạt được những kết quả ban đầu.

Hệ thống cơ sở giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề đã được đầu tư phát triển, từng bước phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, đầu tư kinh phí cho xây dựng và mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục hướng nghiệp, chính sách khuyến khích học sinh sau THCS học nghề cũng đã được ngành giáo dục triển khai như giảm 50% học phí, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng gồm THCS và bằng nghề.

Phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) là một vấn đề quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp cụ thể khuyến khích học sinh học nghề. Công tác phân luồng học sinh ở nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và không mấy hiệu quả, mỗi năm chỉ có khoảng dưới 10% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN.

GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng trường ĐH Vinh – khi góp ý cho dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã nhấn mạnh đến công tác phân luồng: Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, theo GS.TS Đinh Xuân Khoa, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều bất cập, hạn chế. Thực tế, sau khi học xong giai đoạn THCS, có rất ít học sinh đi học nghề, tham gia vào cuộc sống nghề nghiệp ngay mà thường là các em tiếp tục học lên cấp THPT. Vì thế, việc bổ sung các nội dung quy định vấn đề giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học là hết sức cần thiết và phù hợp với với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 26, theo đó “Giáo dục phổ thông được chia thành giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp”.

Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua cũng đã có sự phân định rõ giữa hai giai đoạn giáo dục. Đó là: giai đoạn giáo dục cơ bản được thực hiện ở cấp tiểu học và THCS và giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

“Chính sách phân luồng được quy định trong Luật sẽ giúp cơ cấu tuyển sinh và cơ cấu đào tạo cân đối, dẫn tới cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý, có chất lượng, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội” – GS.TS Đinh Xuân Khoa khẳng định.

T.Fan