Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Địa phương đóng vai trò quan trọng

0
943
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV (Chỉ thị số 31-TTg), trong đó quy định rõ trách nhiệm liên quan của các bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV: Địa phương đóng vai trò quan trọng

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ: Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS, SV chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa sâu sát, quyết liệt; chưa phát huy tốt vai trò của cán bộ, nhà giáo, HS, SV, phụ huynh, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội và chính quyền địa phương trong quản lý các nhà trường, vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống; nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tiễn.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường; hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trên phim ảnh, internet, sách báo… đã tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của HS, SV. Do đặc thù tâm lý lứa tuổi, nếu không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý và chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của địa phương và bảo đảm không làm tăng biên chế.

Chủ tịch UBND các tỉnh, TP tạo điều kiện để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá hiện có phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh của HS, SV. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chương trình liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống theo quy định.

Trước đó, tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Chính phủ đã  giao Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo triển khai việc bảo đảm quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý.

Chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong cơ sở giáo dục, lớp độc lập; điều tra và xử lý vụ việc bạo lực học đường, gây mất an toàn cho cơ sở giáo dục, lớp độc lập theo phân cấp quản lý. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, lớp độc lập trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý.

Tại Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020”, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức, chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn; bố trí kinh phí của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương.

Tại Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh, TP tổ chức tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong trường học, trong các gia đình HS, SV tại địa phương; bồi dưỡng cán bộ về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa ứng xử, hoạt động văn hóa, thể thao cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương.

Các địa phương có trách nhiệm xây dựng và chịu trách nhiệm chính về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; môi trường văn hóa ngoài trường học, để không ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trong trường học…

Việc cụ thể hóa thành kế hoạch để phân công, chỉ đạo các Sở, ngành tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị định, các Đề án của Thủ tướng Chính phủ nói trên, bên cạnh cùng sự quyết liệt chỉ đạo đồng bộ của Bộ GD&ĐT, các Bộ ngành Trung ương, sẽ tạo ra sự đồng bộ, sự chuyển biến tích cực đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa và xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường trong thời gian tới đây.

Ngoài ra, nhiều cơ quan khác cùng phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV gồm: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Bộ thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Bộ Tài chính; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội khuyến học Việt Nam…

Nguồn: GD&TĐ