Còn rất nhiều lựa chọn cho học sinh không đỗ THPT công lập

0
1261
Tổng chỉ tiêu vào các trường THPT công lập của Hà Nội năm học 2019-2020 là trên 64.400 học sinh. Do vậy, sẽ có trên 20.000 học sinh bị trượt trong kỳ thi vừa qua.

ảnh 1

Nếu không đỗ vào học lớp 10 trường công lập, học sinh vẫn có thể lựa chọn học tiếp bậc THPT ở các trường ngoài công lập  

Còn trên 24.500 chỉ tiêu cho thí sinh không đỗ trường công lập

Ngày 15-6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có trên 85.700 học sinh đăng ký dự thi. Trong đó, có trên 500 thí sinh bỏ thi. Số học sinh dự thi thực tế là trên 85.000 em.

Chỉ tiêu tuyển sinh của Hà Nội vào các trường THPT công lập là trên 62.000 học sinh. Nếu tính cả chỉ tiêu vào các trường chuyên, lớp chuyên, với 2.435 em, thì tổng chỉ tiêu vào các trường công lập của Hà Nội là trên 64.400 học sinh. Do vậy, sẽ có trên 20.000 học sinh Hà Nội bị trượt trong Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm nay, chiếm trên 23%. Con số này chưa tính đến số lượng học sinh chỉ thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường THPT ngoài công lập.

Cũng theo công bố của Sở GD-ĐT Hà Nội, ngoài 64.400 chỉ tiêu vào các trường công lập, trường chuyên, năm học này, Hà Nội còn có 2.745 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trên 21.800 chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT ngoài công lập. Theo đó, vẫn còn trên 24.500 chỉ tiêu, là cơ hội lựa chọn cho trên 20.000 học sinh không đỗ trường công lập.

Thực tế, hàng năm ở một số thành phố lớn, số lượng tuyển sinh vào lớp 10 ít mà nhu cầu người học lại quá nhiều. Thế nên sẽ có hàng nghìn học sinh không có cơ hội vào học tập lớp 10 ở các trường công lập. Nhưng không vào học lớp 10 ở các trường công lập, học sinh vẫn có thể lựa chọn học tiếp bậc THPT ở các trường ngoài công lập, hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên…

ảnh 2Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội

Trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên đã có nhiều đổi mới

Nhiều năm trở lại đây, để thu hút học sinh, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã có nhiều đổi mới trong cả việc dạy và học cũng như đổi mới phương pháp giáo dục. Vì thế, chất lượng học tập nơi này đã được nâng lên rõ rệt thể hiện bằng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp khá cao trong các kỳ thi THPT quốc gia.

Nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên với những em học sinh không đỗ vào lớp 10 ở các trường THPT công lập thì con đường vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường đào tạo nghề cũng là lựa chọn tốt. Hiện nay, các tỉnh, thành phố đều có các trường còn trên 24.500 chỉ tiêu ngoài công lập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Nếu so với nhiều năm về trước, hiện nay chất lượng giáo dục ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã có rất nhiều thay đổi tích cực, có lợi cho người học.

Về chương trình học, học sinh ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sử dụng cùng một loại sách giáo khoa theo chương trình cơ bản hệ phổ thông quốc gia để học nhưng sẽ được lược bỏ bớt một số nội dung cho phù hợp. Thời lượng học tập riêng sẽ không chiếm nhiều thời gian và học sinh có thể sử dụng thời gian nghỉ để tự học hoặc học thêm nhằm ôn luyện, củng cố kiến thức được vững chắc hơn. Về học phí, phụ huynh không phải đóng góp nhiều. Mức đóng học phí tùy thuộc vào vùng miền nhưng thường sẽ thấp hơn rất nhiều so với các khoản đóng góp ở trường THPT.

Nếu học sinh học ở các trường đào tạo nghề, học sinh sẽ được miễn học phí. Sau khi tốt nghiệp trường nghề và đi làm, học sinh có thể thi liên thông vào bậc đại học, cao đẳng.

Hiện nay, các trường nghề còn mở thêm những lớp học bổ túc văn hóa dành cho học sinh có nhu cầu. Học sinh có thể học song song hai chương trình: văn hóa và giáo dục nghề nghiệp. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có chứng chỉ nghề.

Những năm gần đây, các trường đào tạo nghề cũng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, tăng cường trang thiết bị dạy học và thực hành hiện đại, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tế. Nhiều học sinh học văn hóa rất yếu nhưng khi chuyển sang học nghề lại đạt kết quả tốt.