Theo chuyên gia, nên tổ chức xét tốt nghiệp THPT theo những tiêu chí, hướng dẫn đặc biệt do Bộ GD&ĐT quy định và địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm vấn đề này.
Tính đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT hai lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học với chủ trương giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước. Nhưng do dịch bệnh đang kéo dài, quỹ thời gian còn lại của năm học 2019- 2020 đang “cạn dần”. Học sinh lớp 12 vẫn chưa biết khi nào sẽ quay trở lại trường học.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện các Sở GD&ĐT, các trường THPT đang tích cực triển khai dạy online để đảm bảo kiến thức cho các em. Tuy nhiên sau thời gian hoạt động, phương thức này biểu hiện rất nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là trong việc kiểm soát và đánh giá chất lượng của học sinh.
“Đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết căn cơ trong giáo dục là truyền đạt và ôn luyện cho các em được. Nhiều em học sinh vùng núi khó khăn, chưa đủ điều kiện để tham gia học online. Chúng ta không thể thi cử với những kiến thức học trực tuyến được, vì điều đó sẽ ảnh hưởng rất đến công tác tuyển sinh và chất lượng đầu vào thí sinh các trường đại học”.
Đồng thời, PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ, kỳ thi THPT quốc gia được quy định rõ ràng trong Luật Giáo dục sửa đổi, Quốc hội và Chính phủ hoàn toàn có khả năng họp phiên đột xuất để điều chỉnh Luật. Chúng ta nên tính đến trường hợp xấu nhất, xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho học sinh dựa vào điểm học tập của các em.
“Tôi hy vọng Bộ GD&ĐT sớm có quyết định cho việc này để các trường đại học chủ động điều chỉnh phương án tuyển sinh và học sinh chuyên tâm ôn tập”, vị PGS cho hay.
Giáo sư Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng cho rằng, việc dạy học trực tuyến sẽ khó đảm bảo về chất lượng như mọi năm. Ngay cả khi Bộ GD&ĐT giảm tải nhiều nội dung, nhưng lượng kiến thức học trực tuyến vẫn không thể đủ để thí sinh tham gia thi THPT quốc gia.
“Tôi cho rằng nên tổ chức xét tốt nghiệp THPT theo tiêu chí, hướng dẫn đặc biệt do Bộ GD&ĐT quy định và các địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trong vấn đề này”.
Riêng với tuyển sinh đại học, các trường tự chủ có đủ thẩm quyền để tổ chức một kỳ thi riêng, cách thức riêng theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, miễn sao các cơ sở giáo dục hài lòng với chất lượng đầu vào của mình.
Tương tự, PGS Trần Văn Tớp, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đặt giả thiết trong trường hợp xấu nhất, tình hình diễn biến dịch bệnh kéo dài đến tháng 5 thì không còn thời gian cho tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cần có các phương án chuẩn bị ứng phó sớm.
Do đó, PGS Tớp đề xuất Bộ nên trao quyền và gắn trách nhiệm cho các địa phương thực hiện xét tốt nghiệp THPT. Khi đó, các trường đại học sẽ nâng cao tính tự chủ, chủ động có phương án tuyển sinh đánh giá chất lượng đầu vào phù hợp, hướng tới giảm dần sự phụ thuộc của các trường vào kết quả thi THPT quốc gia.
Một trong những biện pháp quyết liệt được các quốc gia đưa ra để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh là đóng cửa trường học. Khi việc học bị gián đoạn, nhiều nước tính đến các phương án lùi lịch thi, hoặc hủy bỏ những kỳ thi vốn rất quan trọng để đánh giá năng lực học sinh.
Điển hình là Pháp, mới đây Bộ trưởng Giáo dục, ông Jean-Michel Blanquer thông báo năm nay không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay còn gọi là kỳ thi tú tài (vừa xét tốt nghiệp phổ thông vừa xét tuyển đại học). Thay vào đó, học sinh có thể nhận bằng cấp dựa trên điểm số tại trường trước và sau thời gian cách ly xã hội để chống dịch.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, học sinh không phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia, trong bối cảnh trường học bị đóng cửa do khủng hoảng COVID-19. Toàn bộ trường học tại Pháp đóng cửa kể từ ngày 16/3 và giáo viên, học sinh đã chuyển sang học trực tuyến.
Vương quốc Anh hủy kỳ thi GCSE (chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) và kỳ thi A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao) do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Bang Pennsylvania (Mỹ) thì hủy kỳ thi PSSA/Keystone. Úc hủy Chương trình đánh giá quốc gia về năng lực ngôn ngữ và số học (NAPLAN).