Trang chủ Tin Tức CHUYÊN GIA NÓI GÌ VIỆC HƠN 270.000 HỌC SINH LỚP 12 KHÔNG...

CHUYÊN GIA NÓI GÌ VIỆC HƠN 270.000 HỌC SINH LỚP 12 KHÔNG DỰ THI ĐẠI HỌC

0
956

Từ 2017 đến nay, tỷ lệ học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT mà không thi vào các trường Đại học ngày càng tăng. Vậy vì đâu, thí sinh lại “thờ ơ” đến thế? Liệu nên buồn hay nên vui?

Năm nay có hơn 270.000 học sinh lớp 12 không dự thi Đại học. Ảnh mang tính minh họa
Năm nay có hơn 270.000 học sinh lớp 12 không dự thi Đại học. Ảnh mang tính minh họa

Xu hướng tích cực?

Theo thống kê của  Bộ GD&ĐT về số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào Đại học thì năm 2019 giảm rất mạnh, thấp hơn nhiều so với 2018, 2017 và nhiều năm về trước.

Cả nước có hơn 886.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019, trong đó, có hơn 650.000 thí sinh xét tuyển Đại học, có 279.001 dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không thi Đại học (chiếm 27,8%). Con số này năm 2018 là 25.7% và 2017 là 25%.

Tại  Nghệ An, có hơn 13.000 học sinh thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp. Một số trung tâm giáo dục thường xuyên có gần 100% thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Sở GD&ĐTNghệ An cho biết, thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019 hơn 32.400 (tăng hơn 2018 khoảng 2.000 thí sinh).

Trong số này có gần 18.000 thí sinh đăng ký để vừa tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Còn lại, hơn 13.000 thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ hơn 41%).

Thành phố Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia nhiều nhất với hơn 74.000, đứng thứ hai là TP HCM với gần 71.000. Tại Thanh Hóa có hơn 35.000 thí sinh đăng ký dự thi.

Chuyên gia nói gì việc hơn 270.000 học sinh lớp 12 không dự thi Đại học - ảnh 1 Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là xu hướng tốt, tích cực của việc phân luồng trong giáo dục phổ thông. Các em có xu hướng đi vào hướng nghề, hoặc bước vào cuộc sống… chứ không chỉ có vào ĐH, CĐ.

Ông Trinh nhấn mạnh, trước hết, là công tác hướng nghiệp của các trường đã tốt hơn, hiệu quả hơn; Nhận thức của học sinh, phụ huynh có chuyển biến tích cực.

Mặt khác, cũng theo ông Trinh, nhu cầu thực tiễn của cuộc sống khi kinh tế phát triển, các khu công nghiệp… ngày càng nhiều, thu hút nhiều lao động.

Ông Trinh cũng cho rằng, khung trình độ quốc gia cho phép liên thông giữa các bậc/loại hình đào tạo đã  tạo cơ hội cho các em có thể học tiếp lên các bậc cao hơn sau khi đã đi làm hoặc học nghề.

Chuyên gia nói gì việc hơn 270.000 học sinh lớp 12 không dự thi Đại học - ảnh 2Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Đại học Kinh tế quốc dân) 

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Đại học Kinh tế quốc dân) cũng cho rằng, đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ việc phân luồng đang tốt lên.

“Thí sinh và phụ huynh đang thực tế hơn, xu hướng học nghề đang tăng. Điều này cũng rất tích cực”- ông Triệu nhấn mạnh.

Cần điều tra nghiên cứu cụ thể?

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, ở góc độ phân luồng học sinh sau THCS đi vào học nghề thì đây là dấu hiệu tích cực.

Cũng theo ông  Vinh, nếu nghiên cứu phổ điểm của thời kỳ thi 3 chung nghiêm túc thì có khoảng trên 30% các thí sinh nên chuyển học nghề sớm sẽ có thành công sớm hơn trong kiếm việc làm và tự nuôi sống bản thân.

Tuy nhiên, ông Vinh lại cho rằng, ở một góc độ khác thì đây có thể là dấu hiệu không vui nếu nhìn vào tương lai phát triển giáo dục cung ứng nhân lực cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động tương lai rất nhiều kỹ năng nền tảng để thích nghi nhanh với thời cuộc.

“Vấn đề ở đây cần nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân có hiện tượng trên về chất lượng giáo dục phổ thông, điều kiện kinh tế gia đình, sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn hay sự hấp dẫn từ các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên”- ông Vinh nhấn mạnh.

Chuyên gia nói gì việc hơn 270.000 học sinh lớp 12 không dự thi Đại học - ảnh 3TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) 

Ông Vinh phân tích, với tỷ lệ cao không đăng ký xét tuyển vào đại học cho thấy thí sinh đã có cách nhìn thực tế hơn về lựa chọn nghề nghiệp.

Ông Vinh cũng nêu quan điểm, cần phải phải có điều tra nghiên cứu cụ thể thì mới có thế phát biểu liệu công tác tuyên truyền hướng nghiệp có tác dụng hay không?

“Vấn đề đặt ra là không đăng ký xét tuyển đại học thì những thí sinh này đi theo dòng chảy nào? Vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp? Hay đi làm cho các doanh nghiệp FDI? Hay đi du học nước ngoài hoặc xuất khẩu lao động? Hay ở nhà?”- Ông Vinh nói.

Liên kết đối tác