Chương trình Cử nhân dinh dưỡng tiến tiến của Nhật Bản áp dụng tại Việt Nam
Trong năm 2017, Dự án Phát triển nguồn nhân lực dinh dưỡng của Nhật Bản (Dự án VINEP) do Viện Dinh dưỡng Quốc gia chủ trì đã gửi nhóm cán bộ của Viện Dinh dưỡng và Trung tâm Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện Bạch mai tham gia nghiên cứu “Mô hình Khung chương trình đào tạo chuyên gia dinh dưỡng năm 2015” của Nhật Bản. Sau đây là tóm tắt nội dung chính của mô hình đào tạo này và áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam:
- Mô hình đáp ứng với bối cảnh và tình hình xã hội hiện đại của Nhật Bản, đó là sự đa dạng về dinh dưỡng và chế độ ăn uống, vấn đề thiếu và thừa dinh dưỡng cùng xảy ra. Đặc biệt, có sự gia tăng nghiêm trọng các vấn đề về sức khoẻ liên quan đến dinh dưỡng, và các bệnh liên quan đến lối sống. Ngoài ra, sự gia tăng vấn đề khác như giảm các bữa ăn chung trong gia đình, nguy cơ mất đi sự kế thừa nền văn hoá ẩm thực truyền thống, vấn đề an toàn thực phẩm và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp thực phẩm nước ngoài, đã làm trầm trọng thêm và gia tăng nhiều vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và chế độ ăn uống.
- Mô hình đã được tham vấn ý kiến cộng đồng trong năm 2009 và được Hội đồng quản trị chương trình giáo dục trọng điểm năm 2015 về đào tạo chuyên gia dinh dưỡng phê chuẩn và thông qua vào ngày 29 tháng 8 năm 2015. Mô hình này được các trường đào tạo về dinh dưỡng áp dụng nhằm nâng cao chất lượng cán bộ dinh dưỡng có được bản sắc của Nhật bản và hội nhập quốc tế với mục tiêu cuối cùng là “duy trì và nâng cao sức khoẻ con người, phòng ngừa và ngăn ngừa mức độ nghiêm trọng của bệnh tật từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống”.
- Trong mô hình này, chương trình đào tạo được chia thành các lĩnh vực chính là dinh dưỡng lâm sàng – tiết chế, truyền thông giáo dục dinh dưỡng, nâng cao sức khoẻ, dinh dưỡng cộng đồng và quản lý bữa ăn học đường. Nội dung chính và mang tính cách mạng nhất đó là đưa Quy trình chăm sóc dinh dưỡng (Nutrition Care Process) theo chuẩn quốc tế vào nội dung giảng dạy dinh dưỡng. Cụ thể, khi trở thành chuyên gia dinh dưỡng, họ phải đánh giá tình trạng dinh dưỡng của tất cả những người sống trong xã hội, từ trẻ em cho tới người già, người khỏe mạnh, người ốm và tàn tật, để chẩn đoán dinh dưỡng liên quan tới những thách thức với sức khỏe, dinh dưỡng và thói quen ăn uống của các cá nhân và các nhóm đối tượng trong xã hội, phối hợp và hợp tác với các cơ quan liên quan để xây dựng kế hoạch can thiệp, triển khai, theo dõi và đánh giá có hiệu quả.
Với những ưu điểm và sự phù hợp, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Dự án VINEP đã áp dụng mô hình của Nhật Bản để xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học và cao đẳng dinh dưỡng tiên tiến đầu tiên tại Việt Nam với sự hưởng ứng nhiệt tình của Khoa dinh dưỡng, đại học Thành Đông và Khoa Dinh dưỡng – Cao đẳng công thương Hà Nội. Ngoài các môn học theo quy đinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ba nhóm môn học thiết yếu của ngành dinh dưỡng và được ví như kiềng ba chân của chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng đã được xác lập đó là: Nhóm các môn cơ sở của dinh dưỡng (Sinh lý dinh dưỡng, Hóa sinh dinh dưỡng, Dinh dưỡng cơ sở , Thuốc, thực phẩm và dinh dưỡng, Dinh dưỡng và văn hóa xã hội); Nhóm các môn bệnh học có liên quan tới dinh dưỡng (Bệnh học nội khoa, Bệnh học ngoại khoa, Bệnh học nhi khoa, Bệnh học sản khoa); và Nhóm các môn dinh dưỡng điều trị (Đại cương dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, Dinh dưỡng điều trị nội khoa, Dinh dưỡng điều trị nhi khoa, Dinh dưỡng điều trị ngoại khoa, Dinh dưỡng điều trị sản khoa). Ngoài ra, để phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, mô hình đào tạo áp dụng ở đại học Thành Đông và cao đẳng công thương Hà Nội được trang bị bộ giáo trình, tài liệu giảng dạy hiện đại cập nhật, trang web tương tác thầy – trò hiệu quả, tiết kiệm thời gian, cơ sở thực hành hiện đại của Viện Dinh dưỡng