Thấu hiểu và lắng nghe

0
1255

GV chủ nhiệm cần gần gũi để hiểu HSGV chủ nhiệm cần gần gũi để hiểu HSGV chủ nhiệm cần gần gũi để hiểu HSGV chủ nhiệm cần gần gũi để hiểu HS

“Để làm tốt vai trò của một giáo viên chủ nhiệm, điều quan trọng là phải có sự lắng nghe và thấu hiểu”, đó là chia sẻ của cô giáo Trần Thị Thanh Thoảng, một trong những giáo viên chủ nhiệm của Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Một cố vấn mẫu mực

Cô giáo Trần Thị Thanh Thoảng cho biết: Bí kíp quan trọng nhất trong công tác chủ nhiệm đó là phải tạo dựng được ban cán sự lớp thật nhiệt tình, năng động. Bởi ban cán sự chính là cầu nối giữa thầy cô giáo và các thành viên trong lớp. Các em sẽ đóng vai trò nòng cốt trong mọi hoạt động từ học tập đến tham gia ngoại khóa của lớp. Một ban cán sự lớp có tinh thần trách nhiệm, gắn kết các thành viên trong lớp, tương tác tốt với giáo viên bộ môn sẽ quyết định một tập thể lớp phát triển hay không.

Rõ ràng giáo viên chủ nhiệm giỏi là người biết tổ chức và điều hành hoạt động của ban cán sự lớp. Thế nên việc lựa chọn, phân công trách nhiệm cho từng cá nhân, tổ nhóm khá quan trọng. Để các phong trào thi đua học tập của lớp đi vào thực chất, các cuộc sinh hoạt đoàn thể có nội dung hấp dẫn các thành viên trong lớp, giáo viên chủ nhiệm phải luôn hiểu rõ tâm tư các em để dịnh hướng giáo dục. Điều quan trọng lớp học phải có nền nếp, tính kỷ luật nhưng đồng thời phải kích thích được sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết của các em.

Theo cô giáo Trần Thị Thanh Thoảng, muốn phát huy được tinh thần làm chủ, chủ động sáng tạo, mỗi giáo viên chủ nhiệm nên là một cố vấn đắc lực cho ban cán sự và ban chấp hành Chi đoàn của lớp. Với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm công tác của mình, các thầy cô chủ nhiệm sẽ tham mưu cho Chi đoàn, cán bộ lớp lập kế hoạch công tác, xây dựng các hoạt động để đem lại hiệu quả giáo dục tốt nhất.

Thấu hiểu để giúp đỡ HS

Cô Trần Thị Thanh Thoảng, GV Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ)

“Một giáo viên chủ nhiệm giỏi phải thực sự tâm huyết và yêu thương học trò của mình. Chính tình yêu thương sẽ giúp các thầy cô gần gũi và có những giải pháp tốt nhất đối với từng đối tượng HS”, cô giáo Trần Thị Thanh Thoảng tâm sự như vậy. Thế nên, từ khi nhận lớp chủ nhiệm, cô đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và quan tâm tới các HS của mình. Những HS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, những em có lực học yếu được cô lưu tâm hơn hết.

Trường đóng trên địa bàn khá đặc thù nên HS trong lớp cô chủ nhiệm không ít em có hoàn cảnh gia đình éo le. Cô Thoảng cho biết: HS trong lớp cô chủ nhiệm thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Đa số HS là con em gia đình làm nông dân, làm vườn, làm phụ hồ… Một số em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ lo việc mưu sinh nên thiếu sự quan tâm đối với con cái. Nhiều em thiếu thốn tình cảm, thiếu sự động viên từ gia đình. Hơn nữa mặt bằng kiến thức của các em cũng không đồng đều, các em chơi thân với nhau theo từng nhóm.

Điều này cũng là một yếu tố gây khó khăn đối với giáo viên chủ nhiệm trong việc phân chia công việc. Bên cạnh đó, kĩ năng sống của các em còn hạn chế. Đa số các em còn lúng túng trong giao tiếp và giải quyết những tình huống xảy ra trong hoạt động nhóm học tập, ứng xử trong gia đình… Đây là những vấn đề đặt ra để cô xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục phù hợp.

“Có năm lớp tôi chủ nhiệm gần 10 HS thuộc diện gia đình nghèo, bố mẹ làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, có em mồ côi cha, mẹ thậm chí không được sống với bố, mẹ… Với những HS đó tôi thường xuyên phải quan tâm gần gũi động viên. Để làm tốt vai trò của mình, giáo viên chủ nhiệm đặc biệt phải luôn tâm huyết, gần gũi để chia sẻ giúp đỡ kịp thời từng HS. Bởi khi thầy cô tâm huyết sẽ nhận được từ các em sự tin cậy, kính yêu và các em có thể chia sẻ bất cứ chuyện vui buồn của bản thân”.

Nguồn: Giáo dục và thời đại