Bộ LĐ-TB-XH vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung điều khoản về việc thực hiện chính sách học sinh (HS) tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp được miễn học phí.
Theo đó, dự thảo thông tư sửa đổi quy định HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp chỉ được miễn học phí khi không học qua các trình độ đào tạo khác.
Bộ LĐ-TB-XH đã có Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, nêu ra lý do của việc sửa đổi này. Theo đó, Thông tư số 9 chưa hướng dẫn cụ thể đối tượng “tốt nghiệp THCS học tiếp trình độ trung cấp”, dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Một số trường trung cấp, CĐ đã phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các trường THPT để tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ trung cấp đối với HS đang theo học tại các cơ sở này, đồng thời áp dụng chính sách miễn học phí trên là không phù hợp. Theo đó, sau 3 năm thực hiện, một số đối tượng phát sinh ngoài dự kiến chưa được tính đến trong quá trình dự thảo, khiến ngân sách tăng chi rất nhiều.
Cụ thể, năm 2016 có 171.280 HS được hưởng chính sách với tổng kinh phí 452 tỉ đồng, trong đó học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 90.468 HS (chiếm 53%), đang học tại trường THPT: 11.332 HS (chiếm 7%), đang học tại trung tâm GDTX: 69.480 HS (chiếm 40%).
Năm 2017 có 216.513 HS với tổng kinh phí 665 tỉ đồng, đến năm 2018 có 224.560 HS với tổng kinh phí 842 tỉ đồng. Theo tính toán của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước tăng thêm 1.400 – 1.900 tỉ đồng trong năm học 2017 – 2018 và sẽ là 2.000 – 3.040 tỉ đồng năm học 2020 – 2021.