Nên hiểu rõ các nguyên tắc lịch sự trực tuyến như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, không chào hỏi, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận…
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, không thể phủ nhận rằng việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, sau thời gian dạy trực tuyến đã nảy sinh nhiều tình huống khiến giảng viên và sinh viên cần cùng nhau khắc phục thì mới tạo ra bài giảng hiệu quả.
Giảng viên giật thót mình vì tiếng quát
Tiến sĩ (TS) Phạm Công Hiệp giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, hình thức học trực tuyến có ưu điểm lớn chính là nhờ việc các tài liệu học tập, câu hỏi thảo luận, bài kiểm tra, điểm thi đều được lưu trữ trên một nền tảng quản lý nội dung trực tuyến.
Người học có thể truy cập những nội dung này vào bất kỳ thời gian nào, ở bất cứ đâu một cách dễ dàng. Tùy theo số lượng người tham gia, người dạy và người học vẫn có thể tương tác với nhau trên nền tảng này.
Những ưu điểm nêu trên sẽ giúp người học có thể bắt kịp chương trình khi không thể trực tiếp đến lớp, hoặc có thể xem lại bài dễ dàng nếu không hiểu hay chưa theo kịp bài giảng.
Ngoài ưu điểm, học trực tuyến cũng cho thấy một số nhược điểm riêng. Theo TS Hiệp, thay vì đến lớp đến trường, người học sẽ ở nhà hoặc đến các điểm công cộng có kết nối internet, dẫn đến môi trường học thiếu ổn định do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như tốc độ đường truyền kém, âm thanh không rõ, hình ảnh không đủ chất lượng, khiến việc truyền tải và tiếp nhận kiến thức bị gián đoạn và không đạt được hiệu quả tối đa.
Một nhược điểm khác của việc học trực tuyến là thiếu cảm quan về hành vi, chuyển động của khuôn mặt và cơ thể dẫn đến việc truyền đạt thông tin, kiểm tra mức độ tiếp nhận thông tin và các hoạt động nhóm có thể khó khăn hơn so với lớp học truyền thống.
Tiến sĩ Vũ Trọng Nghĩa, giảng viên trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, dạy học trực tuyến vất vả và mệt hơn dạy tập trung trên lớp. Các giảng viên phải chuẩn bị kỹ bài giảng, các tình huống phải thú vị công phu hơn, phải tương tác nhiều hơn với sinh viên.
Tuy nhiên, không được nhìn trực tiếp tất cả các em, phải nhìn qua màn hình. Khi show bài giảng hoặc viết bài giảng trên màn hình thì không nhìn thấy các em. Có một số em ở xa, chắc mạng yếu nên thỉnh thoảng lại nhắc giáo viên giảng lại.
TS Nghĩa chia sẻ: “Trong dạy trực tuyến gặp rất nhiều tình huống đến “đứng hình” như đang giảng bài thì nghe được cả tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng hàng xóm cãi nhau… lớp học lại phải dừng và im lặng để nghe.
Thậm chí, đang giảng tự nhiên có tiếng quát “Cái con này, mày làm gì đấy…” giật thót cả mình. Hóa ra một phụ huynh thấy con mình đang chăm chú vào điện thoại (học bằng điện thoại), tưởng con mình chát chít với anh nào nên mắng con…”.
Chia sẻ với phóng viên, một giảng viên đại học cho biết, khi bất chợt gọi sinh viên trả lời câu hỏi và yêu cầu bật xem hình thì nhiều em ăn mặc thiếu lịch sự, mặc áo ba lỗ hay nằm trên giường hoặc đang ăn ngồm ngoàm…
TS Phạm Công Hiệp giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, khi học trực tuyến, sinh viên, học viên nên hiểu rõ các nguyên tắc lịch sự trực tuyến như không bật thiết bị ghi hình nếu không mặc trang phục phù hợp, để chế độ im lặng trên thiết bị hội thoại nếu chưa cần thảo luận, phản hồi khi được yêu cầu trả lời.
Người học cần chủ động tham gia thảo luận trong phòng thoại khi được nêu tên; thông báo với những người đang cùng tham gia khi bản thân phải dừng buổi học sớm.
Thầy trò nên chuẩn bị chi tiết khi vào học online
Để học trực tuyến tốt, theo TS Nghĩa giảng online thầy trò không gặp trực tiếp nên giáo viên cần có sự hài hước, dí dỏm để thu hút các em. Đặc biệt là nếu giáo viên chỉ độc thoại, không tương tác với sinh viên, không khai thác các tiện ích thì sinh viên sẽ nhanh chán.
TS Nghĩa chia sẻ thêm, học trực tuyến các em rất chăm học. “Thỉnh thoảng tôi thử im lặng một cái là các em nhao nhao lên… alo alo, thầy ơi, thầy ới… chứng tỏ tương tác tốt”.
TS Phạm Công Hiệp giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, giáo viên cần chuẩn bị chi tiết các hoạt động, tài liệu hỗ trợ trước và sau bài giảng trực tuyến nhằm giúp người học nắm được chủ đề trước khi tham gia buổi học và ôn tập lại kiến thức sau đó.
Kiểm tra, sử dụng các thiết bị giảng dạy và tài liệu buổi học xem có tương thích với phần mềm giải dạy trực tuyến không.
Để không bị gián đoạn trong việc truyền tải kiến thức, hãy giảng bài trong phòng học chuyên dụng, có không gian yên tĩnh và đầy đủ trang thiết bị.
Bố trí máy ghi hình và máy ghi âm di động để người dạy có thể thoải mái di chuyển đến bảng viết, nhằm giải thích những vấn đề phức tạp, giúp người học có thể cảm nhận được cử động của người dạy thay vì chỉ thấy được khuôn mặt cận cảnh.
Đối với người học, cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ việc học như máy tính, các phần mềm cần thiết, thiết bị ghi hình, thiết bị hội thoại để tham gia lớp học trực tuyến. Đặc biệt, nên truy cập bằng đường truyền internet tốc độ cao để có thể đạt hiệu quả tối đa khi học trực tuyến.
Nên chuẩn bị tất cả những thứ cần thiết khác như nước uống, bút, sổ ghi chép để tránh di chuyển ngoài ý muốn, dẫn đến gián đoạn trong việc tiếp thu bài giảng. Nên tìm không gian phù hợp không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh để không khiến cả người học và người dạy bị sao nhãng.
Ba “hiện diện trực tuyến” cơ bản mà người dạy cần có
Để khắc phục thiếu tính tương tác trực quan và cảm quan trong lớp học được giảng dạy trực tuyến, Tiến sĩ Hiệp cho rằng, người dạy nên chuẩn bị bài giảng hội tụ đủ ba yếu tố của sự “hiện diện trực tuyến” (online presence), gồm hiện diện người dạy (instructor presence), hiện diện yếu tố xã hội (social presence) và hiện diện nhận thức (cognitive presence). Cụ thể,
Hiện diện người dạy liên quan tới việc tạo ấn tượng với người học qua chia sẻ thông tin về tính cách hay sở thích cá nhân trước buổi học đầu tiên cũng như phong thái dạy thể hiện cá tính riêng.
Người dạy phải đóng vai trò kiến tạo và kết nối người học với nhau thông qua các hoạt động bổ trợ, cách đặt câu hỏi nhóm, và cung cấp phản hồi cả trực tuyến và sau lớp học. Người học cũng sẽ dễ kết nối và hứng thú hơn với bài giảng nếu họ hiểu và đón nhận tính cách cũng như biểu cảm của người dạy trực tuyến.
Hiện diện yếu tố xã hội giúp người học trực tuyến kết nối và có cảm xúc với cả nhóm, tạo sự hiện diện tương tự như ngoài đời thật nhờ tương tác, thảo luận qua tính năng đàm thoại, nhắn tin trực tiếp trên nền tảng dạy học, hay thậm chí là tạo nhóm thảo luận trực tuyến ngay giữa bài giảng.
Hiện diện nhận thức là kết nối bài giảng trực tuyến với những kiến thức sẵn có của người học, giúp người học kiến tạo thông tin và tri thức mới thông qua các hình thức trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức ngay trong bài giảng, trả lời câu hỏi qua hình ảnh, âm thanh hay tin nhắn.
“Kiến tạo “hiện diện trực tuyến” sẽ tạo ra môi trường học trong đó người học cảm nhận được người thật và giao tiếp thật, và sự hiện diện của bản thân người học cũng được quan tâm. Điều này giúp người học kết nối với thầy cô và bạn học như trong môi trường thực” – TS Hiệp chia sẻ.