TUYỂN SINH KHỐI NGÀNH SỨC KHỎE: SIẾT CHUẨN ĐẦU VÀO ĐỂ NÂNG CHẤT LƯỢNG

0
1189
Cùng với khối ngành sư phạm thì khối ngành sức khỏe trong năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ khống chế bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Động thái này cho thấy Bộ GD-ĐT muốn kiểm soát chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe.

Thông tư 02 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy trong năm 2019 (gọi tắt là quy chế tuyển sinh ĐH) có nhiều điều chỉnh liên quan đến tuyển sinh khối ngành sức khỏe.

Như vậy, cùng với khối ngành sư phạm thì khối ngành sức khỏe trong năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ khống chế bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn).

Động thái này cho thấy Bộ GD-ĐT muốn kiểm soát chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe. Tuy nhiên, đào tạo khối ngành đặc biệt này không chỉ kiểm soát ở đầu vào mà cần phải kiểm soát cả quá trình đào tạo lẫn đầu ra.

Tuyển sinh khối ngành sức khỏe: Siết chuẩn đầu vào để nâng chất lượng ảnh 1Sinh viên Khoa Dược Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong giờ học thực hành
Nâng chuẩn 12 ngành sức khỏe   

Điểm mới của Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2019 là 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe sẽ có điểm sàn do Bộ GD-ĐT ấn định, gồm: Y khoa (Y đa khoa), Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.

Theo quy chế, đối với các ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc khối ngành sức khỏe nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và kết quả học tập THPT, hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển hoặc thi tuyển với điểm thi THPT quốc gia và/hoặc kết quả học tập THPT, thì điểm sàn của điểm thi THPT quốc gia, điểm kết quả học tập THPT phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế này.

Cụ thể như sau: điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng điểm thi THPT quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định; với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Dược học, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 8,0 trở lên; với các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, điểm trung bình cộng xét tuyển kết quả học tập THPT tối thiểu là 6,5 trở lên.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), phân tích quy chế tuyển sinh năm 2019 có điểm mới đáng chú ý, đó là năm nay khối ngành sức khỏe áp dụng quy định điểm sàn cho 2 phương thức xét tuyển: dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2019 (Bộ GD-ĐT sẽ công bố sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2109); dành cho thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT (các ngành như Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược học phải đạt điểm trung bình 8,0 trở lên; các ngành có cấp chứng chỉ hành nghề như Điều dưỡng, Hộ sinh, Xét nghiệm… phải đạt kết quả học tập THPT loại khá trở lên).

Do đó, quy định thí sinh phải có học lực khá, giỏi mới được đăng ký xét tuyển khối ngành sức khỏe chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Còn thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả điểm thi THPT quốc gia 2019 thì không áp dụng quy định phải có học lực khá, giỏi.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước sử dụng khoảng 80% chỉ bằng điểm thi THPT quốc gia, đặc biệt các trường tốp đầu như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược Huế, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ… không xét tuyển bằng học bạ. Do đó, thí sinh không có học lực giỏi không nên hoang mang, cứ đăng ký xét tuyển và chỉ cần kết quả điểm thi THPT cao, đạt từ điểm sàn trở lên và đạt điểm trúng tuyển của các trường là được.

Không chỉ dừng lại ở điểm sàn

TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết: “Thực tế, trường cũng như những trường y thuộc tốp đầu không bị ảnh hưởng gì từ những quy định mới của Thông tư 02. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì việc Bộ GD-ĐT kiểm soát chất lượng đầu vào 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe là tín hiệu tích cực, vì đây là những ngành đặc biệt, đào tạo ra những người làm việc chữa bệnh, cứu người, mà không có chất lượng hoặc chất lượng thấp là khó chấp nhận. Việc cho mở nhiều ngành sức khỏe tôi không phản đối, vì như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh và nhiều cơ hội cho thí sinh. Tuy nhiên, mở ngành phải đi đôi với các điều kiện đảm bảo chất lượng như giảng viên, cơ sở vật chất thực hành, thực tập. Theo tôi, cùng với việc kiểm soát đầu vào thì cần phải tăng cường hậu kiểm và công tác kiểm định chất lượng đầu ra. Ví dụ như Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế cần phải có một kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra và đạt thì mới cấp chứng chỉ hành nghề. Những trường hợp nào chưa đạt thì buộc phải học lại. Không thể để tồn tại những cơ sở đào tạo kém chất lượng được”.

Còn theo quan điểm của TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), việc đưa ra ngưỡng điểm như vậy cần dựa trên các nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề như: Những thí sinh các năm trước đây có điểm thấp hơn ngưỡng 8,0 điểm thì kết quả học tập trong ĐH như thế nào? Những sinh viên có điểm thấp hơn ngưỡng, cơ hội việc làm ra sao và chất lượng chuyên môn có đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động không? Những giảng viên ĐH và cả các phó giáo sư giỏi ngày hôm nay thì điểm thi vào ĐH trước đây thuộc nhóm điểm nào? Nâng ngưỡng điểm đầu vào ngành y khoa là giả thiết sẽ nâng cao chất lượng đầu ra, là cách điều tiết cơ cấu quy mô nhân lực theo quy hoạch nhân lực của ngành hay không? Nếu ngưỡng cao quá, có thể dẫn đến tình trạng rất ít người theo học, sẽ phá vỡ quy hoạch nhân lực, trong điều kiện nhiều vùng sâu vùng xa của nước ta còn thiếu bác sĩ…

“Đó là những câu hỏi mà ngành y tế và các trường ĐH phải giải trình trước xã hội. Tự chủ ĐH nên như vậy và nên nhớ trách nhiệm giải trình rõ ràng, minh bạch thì tự chủ mới có ý nghĩa trong việc định ngưỡng điểm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ GD-ĐT chọn một số bác sĩ, giáo sư giỏi thực hiện thanh tra chuyên môn một số trường ĐH, nếu đào tạo không có chất lượng thì nên cấm, không cho phép được đào tạo, mới là kế sách lâu dài góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, rất cần thiết phải có điểm sàn cho khối ngành sức khỏe. Ngay cả như nếu Bộ GD-ĐT không quy định thì các trường cũng phải có điểm sàn cho trường mình, vì đây là yếu tố đảm bảo chất lượng và giữ uy tín, hình ảnh của đơn vị. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT rất cần hậu kiểm các điều kiện mở ngành, xác định chỉ tiêu của các trường mới mở khối ngành sức khỏe, nhất là ở các trường tư thục.

THANH HÙNG