Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sẽ khởi sắc

0
1117

Trước tình hình kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, không chỉ giáo dục đại học mà giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng và trung cấp) cũng chủ động điều chỉnh phương án xét tuyển. Cùng với đó, việc nhiều trường đại học (ĐH) dừng tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) góp phần giúp hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khởi sắc hơn trong năm 2020. 

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp sẽ khởi sắc ảnh 1Sinh viên ngành Điện – Điện tử Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ học thực hành

Chủ động hơn trong tuyển sinh

Trước thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường CĐ, trung cấp đã điều chỉnh phương án xét tuyển cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Theo TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, do tình hình có thay đổi nên để không bị động trong công tác tuyển sinh, nhà trường có điều chỉnh phương thức xét tuyển. Năm nay, trường vẫn sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Điểm mới đáng chú ý là năm nay trường bổ sung thêm phương thức xét điểm học bạ THPT (trước đây trường không sử dụng phương thức này). Dù xét tuyển theo phương thức nào thì nhà trường cũng theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo.

Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM cũng vừa thông báo thông tin tuyển sinh năm 2020. Đặc biệt, năm nay trường chính thức áp dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT. Song song đó, trường cũng sử dụng phương thức xét tuyển kết quả điểm thi THPT như năm 2019.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng nhà trường, đối với phương thức xét tuyển điểm học bạ THPT, trường nhận hồ sơ từ nay cho đến hết ngày 30-7. Trong khi đó, Trường CĐ Lý Tự Trọng có thay đổi lớn nhất là chỉ chọn một phương thức xét điểm học bạ năm lớp 12. Theo phân tích của nhà trường, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lịch học, lịch thi THPT đều có thay đổi về thời gian. Do đó,  trường thay đổi phương thức xét tuyển để khỏi bị động và trên hết là tạo thuận lợi cho thí sinh. Tương tự, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng bỏ phương thức xét điểm thi THPT, chỉ xét tuyển bằng học bạ THPT. Nhiều trường CĐ khác cũng đã bổ sung phương thức xét tuyển điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức.

Bà Wendy Cunningham, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh: Đào tạo nghề rất quan trọng với mỗi quốc gia. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào Việt Nam, dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, do đó lao động Việt Nam càng cần phải được đào tạo nghề, bao gồm cả những kỹ năng. Một trong những vấn đề mà nhà đầu tư quyết định khi chọn quốc gia để đầu tư, đó chính là năng suất của người lao động. Việt Nam đã có hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đạt chuẩn, còn thua kém các quốc gia khác, rất cần phải cải thiện. Theo đó, đào tạo nghề phải theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, phải bảo đảm chuẩn đầu ra cho người học, để họ ra trường là có thể làm việc; phải bảo đảm tính công bằng trong phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp…

Nhiều thuận lợi

Theo TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nhìn chung phương thức xét tuyển của các trường CĐ đều được thay đổi để phù hợp với tình hình mới, chủ yếu để tăng tính chủ động cho các trường và thuận lợi hơn cho thí sinh. Một tín hiệu đáng mừng nữa cho các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp là rất nhiều trường ĐH trên cả nước đã chính thức không tuyển sinh hệ CĐ trong năm 2020. Điều này thật sự tác động đến sự chuyển hướng của thí sinh trong định hướng nghề nghiệp.

Trong những năm qua, chương trình đào tạo của các trường CĐ đã thay đổi rất nhiều theo hướng thực học, thực hành. Song song đó, việc gắn chặt với các doanh nghiệp trong đào tạo đã giúp người học có cơ hội việc làm ngay từ khi đi thực tập. Ngoài ra, việc các trường chủ động đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, cam kết 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp với người học… đã giúp thí sinh đặt niềm tin hơn khi chọn học CĐ.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, có thể nói chưa bao giờ giáo dục nghề nghiệp có cơ hội phát triển như hiện nay. Đó là, được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư; có sự thống nhất quản lý nhà nước về một đầu mối để tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư khóa XI và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã chỉ ra định hướng phát triển của giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Do vậy, để phát huy cơ hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải tự thay đổi và vượt qua những thách thức đang tồn tại, như mở rộng quy mô tuyển sinh và nhanh chóng nâng cao tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật; sắp xếp đội ngũ giáo viên, giảng viên dư dôi hoặc thiếu năng lực đáp ứng; kết nối giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động…

Nguồn: SGGP