Ngày 29/10, báo Tiền Phong phối hợp cùng trường ĐH Mở TPHCM tổ chức tọa đàm “Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội – MXH”. Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp giá trị.
Mê hồn trận
Mới đây, một nghệ sĩ nổi tiếng đã lên mạng treo giải thưởng 20 triệu đồng cho fan (người hâm mộ) “xử” người cha có hành vi bạo hành con ruột. Ngay lập tức, cả trăm người kéo đến khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc mới giải cứu được nạn nhân. Sau đó, nghệ sĩ này lên mạng xin lỗi, cho rằng mình “bao đồng” và hứa không lặp lại nữa.
Nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng đại diện báo Tiền Phong TPHCM cũng từng là “nạn nhân bất đắc dĩ” của cư dân mạng, chia sẻ: “Nhiều người dùng MXH thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ like, chia sẻ, bình luận theo số đông. Dần dần số đông quyết định nên chuẩn mực xã hội hội, đạo đức bị thay đổi trên thế giới ảo. Mạng ảo giờ không còn ảo nữa, mà có thể trở thành công cụ đủ sức nâng một con người lên, cũng dư sức dìm người ta xuống”.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, không thể phủ nhận những tính năng giải trí và tác động “cực lớn” của MXH trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè. Dùng MXH, mọi người có thể có tầm nhìn rộng hơn về cuộc sống, quen biết nhiều bạn bè mới, tìm và kết nối bạn bè một cách nhanh chóng. Nhưng vì sống trong thế giới “phẳng” và “ảo” nên rất nhiều bạn trẻ cư xử thiếu văn hóa trên facebook và các trang mạng xã hội khác. Thật nghịch lý khi những hình ảnh phản cảm lại “câu” được nhiều “like” của người xem, kèm theo là các dòng bình luận gây sốc, văng tục chửi thề thiếu văn hóa.
“Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn, tuy nhiên khả năng của bản thân không đáp ứng được. Vì vậy các bạn đã tìm mọi cách thể hiện mình, thậm chí lệch lạc. Với nhiều người, like không phải vì thích mà là “like cho chết” là điều rất nguy hiểm trên MXH”- TS An tư vấn.
Số liệu từ Bộ Thông tin Truyền thông thống kê, cả nước hiện có gần 270 MXH đã được cấp phép hoạt động, số người dùng là hơn 64 triệu. Trung bình một người sử dụng internet tại Việt Nam dành 2 giờ 37 phút/ngày cho việc lên mạng. Khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS) cho thấy, đến 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên MXH.
Cẩn trọng khi “like”, “share”
Thiếu tá, TS chuyên ngành Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân cho biết, khi tham gia vào MXH sẽ tạo ra cho con người những cảm giác thỏa mãn, tạo nên giá trị ảo, ganh tỵ, ném đá… “Ngoài ra còn tạo ra các hiếu kỳ, tò mò xâm phạm đời tư, hành vi lệch chuẩn… nguy hiểm hơn là tạo ra một căn bệnh hoang tưởng. Khi người dùng tham gia vào MXH đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn, trong đó nguy cơ vi phạm Luật An ninh mạng. Luật an ninh mạng đã có nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Xây “bức tường lửa” như thế nào là do chính chúng ta.
Đề cập chuyện “like”, “share”, Ths tâm lý Lê Thị Hằng, Trưởng bộ môn Tâm lý – Khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thẳng thắn: “Văn hóa ứng xử trên MXH vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của một người nào đó mà chúng ta không hề quen biết. Ngược lại, lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp cho giới trẻ thấy tự tin và sống lạc quan hơn”.
Từng điều trị nhiều trường hợp nghiện MXH, trong đó đa số là người trẻ, BS Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí cho rằng, nghiện MXH dễ mắc bệnh hoang tưởng. Muốn trị liệu thì phải quay lại giá trị thực, tạm dừng một thời gian để tìm lại suy nghĩ, nhận thức trong cuộc sống thực tế của mình. Bạn cần xây dựng lối sống tích cực, lạc quan ngay mới có thể chia sẻ những điều tốt đẹp lên đó.
Ở góc độ pháp luật, LS Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, trên MXH xuất hiện ngày càng nhiều “thẩm phán”, sẵn sàng tuyên án trước khi vụ việc được đưa ra xét xử. Nhưng, khi sự việc đã rõ ràng thì những người từng kết án trên mạng “lơ đẹp”, không một lời xin lỗi nạn nhân và gia đình.