Trong trường học, công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông nhằm khuyến khích, động viên và ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật học sinh hiện nay tại các trường phổ thông còn mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.
Hiện nay, bên cạnh những giáo viên có biện pháp khen thưởng, kỷ luật học sinh hiệu quả thì cũng có không ít giáo viên có cách giáo dục và xử lý tình huống không đúng quy định. Do không kiểm soát được cảm xúc cho nên một bộ phận giáo viên đã đưa ra những hình phạt, hành vi, lời nói làm tổn thương đến học sinh, gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội. Trưởng bộ môn Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm, Trường đại học Sư phạm Hà Nội Khúc Năng Toàn cho biết: Giáo viên xử lý kỷ luật học sinh nhiều khi xuất phát từ những phản ứng mang tính cảm xúc mà không xuất phát từ nguyên lý mang tính giáo dục và sư phạm. Những hình thức như quát mắng, dọa nạt chỉ mang lại hiệu quả trực tiếp tức thì mà không mang lại hiệu quả về mặt giáo dục lâu dài. Ðồng quan điểm, cô giáo Dương Thu Hà, giáo viên Trường THPT Lê Lợi (Hà Ðông, Hà Nội) chia sẻ: Kỷ luật học sinh phải có nguyên tắc cụ thể, phải giúp học sinh nhận ra những sai lầm để thay đổi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải trang bị những kỹ năng quan trọng để nắm bắt được tâm lý của học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, giáo viên Trường quốc tế Nhật Bản (Hà Ðông, Hà Nội) cho biết: Khi học sinh mắc lỗi, thay vì trách móc, chì chiết, phê bình học sinh trước tập thể, giáo viên nhà trường sẽ gọi học sinh ra vị trí riêng để phân tích sự việc để tìm rõ nguyên nhân, giúp học sinh nhận thức được vấn đề. Bên cạnh đó, nhà trường rất chú trọng việc khen thưởng học sinh bằng những phần thưởng đơn giản như trao giấy khen, tặng bút viết hoặc những lời khích lệ, động viên nhằm tôn cao giá trị thành tích học sinh đã đạt được. Ðiều này giúp học sinh cảm nhận được giá trị của bản thân, ảnh hưởng của bản thân đối với tập thể, cộng đồng như thế nào. Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt (Quảng Ninh) Vũ Thị Thu Huyền chia sẻ: Nhà trường có hội đồng kỷ luật nhưng ba năm nay chưa học sinh nào vi phạm bị kỷ luật. Ðể có được điều này, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tuyên truyền những quy định của pháp luật, nội quy. Khi học sinh vi phạm thì giáo viên không đưa ra biện pháp kỷ luật ngay mà sẽ dành thời gian trao đổi, chia sẻ để học sinh tự nhận ra lỗi của mình.
Theo các chuyên gia giáo dục, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giáo viên phải biết tôn trọng, quan tâm, thấu hiểu học sinh; phân tích cho học sinh hiểu được hành vi sai trái, đồng thời tư vấn cho các em về hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; tạo điều kiện để học sinh tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nội quy trường, lớp. Bên cạnh đó, giáo viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, hiểu tâm lý học sinh, phụ huynh để có những giải pháp phù hợp khi có vấn đề về kỷ luật học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay đang được thực hiện theo Ðiều lệ trường tiểu học và Ðiều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và theo Thông tư số 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ Giáo dục nay là Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT). Những quy định này hiện không còn phù hợp thực tiễn công tác giáo dục học sinh hiện nay. Bên cạnh đó, một trong những quyền cơ bản của trẻ em là quyền được học tập, do vậy nhà trường cần hạn chế đến mức thấp nhất việc buộc thôi học đối với học sinh. Nếu các em vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng, nhà trường chỉ có thể tạm đình chỉ việc học tập trên lớp của học sinh trong thời gian ngắn để phối hợp gia đình thực hiện các biện pháp giáo dục, giúp đỡ học sinh nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ÐT) Bùi Văn Linh cho biết: Bộ sẽ xây dựng quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để phù hợp phương pháp giáo dục hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp Công đoàn Giáo dục Việt Nam chỉ đạo các Sở GD và ÐT phối hợp Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố trên toàn quốc tổ chức tham vấn ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên về các hình thức kỷ luật đối với học sinh theo hướng giúp các em tích cực hơn. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các nhà trường coi trọng việc phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh và các lực lượng khác trong việc hỗ trợ, tư vấn để học sinh tiến bộ.