Tiếp cận các mô hình đào tạo quốc tế

0
924
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Quân: “Xây dựng trường cao đẳng (CĐ) chất lượng cao là mục tiêu Chính phủ nhằm lựa chọn một số trường CĐ có năng lực đào tạo tốt và có phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt được tiêu chí trường chất lượng cao đến năm 2020”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án Phát triển trường CĐ chất lượng cao đến năm 2025.

40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4

Theo Đề án của Chính phủ, nhằm định hướng phát triển trường CĐ nghề (không bao gồm trường CĐ sư phạm) chất lượng cao, nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đào tạo lao động có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát triển trường CĐ chất lượng cao trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo nghề của thế giới; bảo đảm tính hệ thống, dài hạn, có lộ trình, bước đi phù hợp, các giải pháp đồng bộ, khả thi.

Đề án xác định phát triển trường CĐ nghề chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường CĐ chất lượng cao. Đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường CĐ khác ngoài danh mục Nhà nước đầu tư cũng được đánh giá, công nhận là trường CĐ chất lượng cao.

Đến năm 2020, thí điểm đào tạo 34 ngành, nghề theo các chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ cho những trường được lựa chọn có năng lực đào tạo tốt, để đến năm 2020 có khoảng 40 trường được đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao.

Giai đoạn 2021 – 2025, từng bước mở rộng đào tạo các ngành, nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo quốc tế có uy tín đánh giá, công nhận văn bằng, chứng chỉ.

Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao. Trong đó có ít nhất 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

tiep can cac mo hinh dao tao quoc te
Phát triển trường cao đẳng nghề chất lượng cao phải gắn với đào tạo chất lượng cao, tổ chức đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia và nghề trọng điểm quốc tế. Ảnh: B.C

Tiếp cận các trình độ đào tạo quốc tế

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng và ban hành các tiêu chí của trường CĐ chất lượng cao về: Quy mô đào tạo; trình độ nhà giáo; gắn kết với DN trong đào tạo và việc làm sau đào tạo; quản trị nhà trường; trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo.

Trường được công nhận là trường CĐ chất lượng cao khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của trường CĐ chất lượng cao.

Đồng thời lựa chọn một số trường CĐ có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường CĐ chất lượng cao để có kế hoạch, lộ trình hỗ trợ đầu tư, tăng cường năng lực đào tạo và được đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao theo mục tiêu của Đề án.

Về cơ chế, chính sách phát triển trường CĐ chất lượng cao: Có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các trường CĐ (công lập và tư thục) tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực đào tạo theo tiêu chí của trường CĐ chất lượng cao. Khuyến khích, ưu tiên các DN trực tiếp cùng với nhà trường tổ chức đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm gắn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DN.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, kết quả tuyển sinh vào GDNN của cả nước trong 5 năm (giai đoạn 2014-2018) đạt gần 8,8 triệu người, tính trung bình mỗi năm cả nước tuyển sinh được hơn hai triệu người. Trong đó, kết quả tuyển sinh (giai đoạn 2015-2018) tại 45 trường được lựa chọn đầu tư trọng điểm theo Ðề án 761 – “Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020″ là: 640.082 người, trong đó, trình độ CĐ và trung cấp là: 203.692 người; sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng là: 436.390 người.

Chủ trương và định hướng phát triển GDNN tiệm cận với đào tạo nghề quốc tế của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN là: Trường chất lượng cao phải đào tạo chất lượng cao – đây cũng chính là nhiệm vụ được đặt ra yêu cầu các nhà trường phải đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tổ chức đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia và nghề trọng điểm quốc tế. Hiện các trường được đầu tư trọng điểm đã tiếp nhận chuyển giao đồng bộ 34 bộ chương trình của 34 nghề trọng điểm quốc tế, từ Australia là 12 nghề và từ Ðức 22 nghề. Thí điểm tổ chức đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cho khoảng 2.000 sinh viên, để khi tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp hai bằng (một bằng CĐ của Việt Nam và một bằng nghề quốc tế của Australia hoặc Ðức). Ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận, người học sau tốt nghiệp còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất là đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế, hoặc có thể học liên thông lên trình độ cao hơn tại Ô-xtrây-li-a, Ðức hoặc các quốc gia tiên tiến khác.

Hiện, Tổng cục GDNN đang kết nối với các DN Ô-xtrây-li-a và Ðức để xác định việc làm cho các học sinh được đào tạo thí điểm. Dự kiến ngay sau khi kết thúc thí điểm (chương trình của Ô-xtrây-li-a cuối năm 2019 và chương trình của Ðức vào cuối năm 2022), Bộ LÐ-TB&XH sẽ đánh giá và nhân rộng cho toàn bộ hệ thống.

Nam Dương