Bộ GDĐT đang lấy ý kiến về Dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục đại học (ĐH). Sau 4 năm kể từ khi Quyết định “Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam” số 1982 ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực, Việt Nam vẫn chưa có được chuẩn đầu ra và chuẩn chương trình đào tạo của hầu hết các lĩnh vực của giáo dục ĐH.
Ảnh minh họa.
Lộ trình phù hợp
Tại buổi tọa đàm góp ý về Dự thảo do Bộ GDĐT tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, lộ trình được Ban dự thảo công bố là: Dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành xây dựng chuẩn đầu ra và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các lĩnh vực: Sức khỏe, Kỹ thuật, Kế toán-Tài chính, Du lịch, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Đến năm 2022 hoàn thành báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN.
Năm 2023 sẽ hoàn thành xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo đối với các ngành thuộc các lĩnh vực còn lại.
Như vậy, theo kế hoạch tới năm 2023 Việt Nam sẽ hoàn thành việc ban hành chương trình của tất cả các ngành thuộc lĩnh vực đào tạo của giáo dục ĐH. Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) khẳng định: Để triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cần phải xây dựng lộ trình phù hợp. Các nước trên thế giới phải mất khoảng 10 năm và nếu chúng ta tận dụng lợi thế của nước phát triển sau, học tập tốt kinh nghiệm của thế giới để rút ngắn thời gian thực hiện thì cũng phải mất 5-7 năm để thực hiện chu kỳ đầu. Đây phải là quá trình gồm nhiều giai đoạn tiếp nối, liên tục phát triển, cập nhật… chứ không phải là chỉ sau một khoảng thời gian chúng ta có thể làm xong việc.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam rất quan trọng, cần ưu tiên triển khai nhanh nhưng phải có lộ trình chắc chắn. Trong đó, cần quan tâm đến đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như giúp cho việc thực hiện tham chiếu giữa khung tham chiếu Việt Nam và khung tham chiếu ASSEAN (AQRF), làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh trong đào tạo nguồn nhân lực giữa Việt Nam và các nước ASEAN, làm tiền đề thuận lợi cho di chuyển lao động tự do trong khu vực ASEAN và thế giới.
Đồng thời, theo Dự thảo, không phải triển khai tất cả các ngành trong lĩnh vực đó, mà mỗi lĩnh vực sẽ chọn ra một số ngành có khả năng xây dựng nhanh nhất, để triển khai trước. Trong quá trình vừa làm sẽ vừa rút kinh nghiệm để từ đó từng bước triển khai ra những ngành khác ở trong nhóm ngành đó, cũng như ra các nhóm ngành khác.
Tuy nhiên, từ phía các trường ĐH, nhiều ý kiến đề xuất Bộ không nên làm thí điểm mà cần triển khai đồng thời ở tất cả các lĩnh vực. PGS.TS Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nên xây dựng chuẩn theo ngành thuộc các lĩnh vực và bao nhiêu lĩnh vực khởi động ngay chứ không chỉ chọn một số lĩnh vực làm trước như Dự thảo kế hoạch đề cập.
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Nguyễn Hữu Tú- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, không nên thực hiện thí điểm mà nên triển khai đồng thời ở tất cả các ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau, bởi mỗi lĩnh vực sẽ làm việc độc lập. GS Tú nhấn mạnh, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho các trình độ của giáo dục ĐH là việc phải làm, đây sẽ là công cụ để kiểm soát các “trường yếu”.
Công cụ giám sát hữu hiệu
Nếu coi giai đoạn từ 2019-2020 là khởi động cho lộ trình này thì đến nay, một số đơn vị đã có những triển khai bước đầu trong việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra. Cụ thể, ở khối ngành sức khỏe, đại diện Bộ Y tế cho biết hiện đã ban hành được chuẩn năng lực cơ bản cho 6 ngành nghề bậc ĐH. Hiện toàn quốc có 44 trường đào tạo khối ngành sức khỏe, 25 trường đào tạo y khoa, 33 trường có đào tạo dược sĩ. Việc ban hành chuẩn đầu ra và chuẩn chương trình đào tạo là cấp thiết vì nếu không sẽ đào tạo những dược sĩ, bác sĩ khác nhau.
Đối với ngành sư phạm, GS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, nhà trường đã triển khai nhiệm vụ này từ 2 năm qua và dự kiến cuối năm nay sẽ công bố. GS Minh cho rằng những trường có chung lĩnh vực đào tạo nên ngồi lại với nhau để đưa ra mặt bằng chuẩn chung, đây là chuẩn tối thiểu. Đặc biệt, không dùng hành chính trói buộc sáng tạo, có nghĩa là sau khi có được khung chuẩn chung mới điều chỉnh các văn bản hiện hành chứ không điều chỉnh văn bản trước, xây dựng chuẩn sau.
Về cách thức triển khai, PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhìn nhận việc xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo phải dựa vào các chuẩn mực quốc tế với thành phần tham gia gồm các trường ĐH, đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia trong nước, nước ngoài và dựa trên tinh thần tự nguyện.
Dự thảo kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chung là đổi mới hoạt động đào tạo gắn với nâng cao chất lượng giáo dục ĐH phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH; mở rộng cơ hội hội nhập với cộng đồng đại học khu vực và thế giới, tạo ra cơ chế liên thông và hình thành hệ thống giáo dục mở. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Đồng thời Luật Giáo dục ĐH sửa đổi đã chính thức có hiệu lực với việc mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong mở ngành, xây dựng chương trình, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá và cấp bằng. Đây sẽ là công cụ giám sát của Nhà nước, xã hội và các bên liên quan đối với việc mở ngành, thực hiện các chương trình đào tạo và giám sát chất lượng nói chung trong giáo dục ĐH.
Thu Hương