Thiết kế thời trang: Ánh hào quang trong bức tranh nghề nghiệp

0
1003
Được xem là một nghệ thuật ứng dụng đòi hỏi tư duy sáng tạo, nghề thiết kế thời trang không chỉ dừng lại trong sáng tạo kiểu dáng trang phục theo cảm hứng cá nhân, mà còn bao gồm cả sự phù hợp với văn hóa và xu hướng xã hội. Có thể mang lại thu nhập cao và nổi tiếng là sự hấp dẫn hàng đầu đối với các bạn trẻ khi theo nghề này…
Thiết kế thời trang bắt đầu từ những kỹ năng nhỏ nhất.

Thành công từ những kỳ thi tay nghề

Bước vào con đường học thiết kế thời trang khi còn rất trẻ, chị Vũ Mai Hiên đã trở thành một thí sinh đoạt Huy chương Vàng nghề thiết kế thời trang tại Kỳ thi Tay nghề ASEAN 2010 và Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm 2011.

Quá trình học tập, giáo viên đã phát hiện chị có khả năng nên đã tập trung đầu tư đào tạo để trở thành ứng viên tham dự các kỳ thi tay nghề trên trường quốc tế.

Chị Hiên cho biết: “Khi được lựa chọn để tham gia kỳ thi, tôi được các chuyên gia tiếp tục đào tạo những kiến thức nâng cao như: Tăng cường khả năng thiết kế mẫu thời trang sao cho phù hợp với nội dung của đề thi, bảo đảm thời gian thực hành và các yêu cầu liên quan trong quá trình thi tay nghề.

Bản thân cũng phải rất nỗ lực trong việc trau dồi, luyện tập thuần thục các kỹ năng thực tế trong kỳ thi. Đây cũng là những kiến thức nền tảng vững chắc cho việc phát triển sự nghiệp sau này của tôi”.

Sau các kỳ thi tay nghề quốc tế và tốt nghiệp ra trường, chị Hiên tiếp tục được giảng dạy đúng chuyên ngành tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương. Từ năm 2016, chị Hiên phát triển thành doanh nghiệp chuyên về đồng phục công sở… Nghề thiết kế thời trang, bước đầu đã sớm mang lại cho chị Hiên những vinh quang và thành công nhất định.

Bắt đầu từ những kỹ năng nhỏ nhất

Chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế thời trang, chị Hiên cho biết: Làm nghề cần có khả năng cảm thụ nghệ thuật hội họa, âm nhạc và văn hóa, từ đó sẽ tạo nguồn cảm hứng cho những tác phẩm thời trang. Kỹ năng vẽ chuyên nghiệp là một yêu cầu bắt buộc với người học, để có thể phác thảo những ý tưởng thiết kế lên trên mặt giấy. Hiện thực hóa bản vẽ trên giấy, người học thiết kế phải được đào tạo những kỹ năng như: Cắt, may, rập, thêu…

Khi thực hiện những kỹ năng này, nhà thiết kế còn rất chú ý đến những tiểu tiết nhỏ nhất trên sản phẩm. Chỉ vài chi tiết gợn sóng hay một đường thêu tinh xảo sẽ trở thành điểm nhấn, khiến cho sản phẩm thời trang trở thành độc nhất.

Một kỹ năng khác không thể thiếu là phải nhận biết được sự phù hợp của chất liệu vải đối với các kiểu trang phục, cách phối màu để tạo sự nổi bật. Điểm chung của nghề thiết kế thời trang là phải thực hành càng nhiều càng tốt. Từ đó, nhà thiết kế có thể tư duy được những kiểu dáng trang phục mới hoặc theo đuổi nghiên cứu thành đề tài để nâng tầm thành bộ sưu tập…

Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, nhà thiết kế thời trang cũng rất cần biết những kiến thức về quản lý tài chính và marketing. Trong thời đại kỹ thuật số với sự bùng nổ công nghệ thông tin, có thể làm cho một thương hiệu thời trang nhanh chóng lọt mắt công chúng và thu hút các nhà đầu tư.

Nhưng ngược lại, một thương hiệu ít có dấu ấn sẽ nhanh chóng “chìm nghỉm” giữa một đại dương thông tin. Một sự thật khắc nghiệt khác là nhà thiết kế thời trang luôn phải có ý tưởng mới, nếu không sẽ bị công chúng quay lưng.

Nhiều cơ hội việc làm trong nghề thiết kế thời trang.

Cơ hội phát triển chuyên nghiệp

Thiết kế thời trang trên phương tiện truyền thông là những ánh hào quang rực rỡ trên sàn diễn catwalk, nhà thiết kế xuất hiện bên cạnh những người mẫu xinh đẹp trong những bộ trang phục do mình thiết kế.

Chưa hết, hình ảnh nhà thiết kế còn hiện diện trên các phương tiện truyền thông để giới thiệu về những xu hướng thời trang mới, trả lời sự quan tâm của các fan hâm mộ.

Mẫu thời trang được sử dụng khắp nơi, đem về cho nhà thiết kế nguồn lợi nhuận lớn về tài chính và địa vị xã hội đáng mơ ước. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, để tạo được bức tranh xán lạn như vậy không phải là điều dễ dàng, nó cần có một quá trình học tập và lao động sáng tạo không ngừng nghỉ để bước đến những thành công.

Tại Việt Nam, nghề thiết kế thời trang vẫn còn khá mới mẻ, chưa đạt đến trình độ “công nghệ thời trang”. Một số nhà thiết kế nổi lên và phát triển mang nặng yếu tố cá nhân. Tuy nhiên, ý kiến lạc quan cho rằng, xuất phát điểm thấp này lại chính là cơ hội cho giới trẻ được đào tạo một cách chuyên nghiệp hơn.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện cả nước đang có khoảng gần 30 cơ sở đào tạo nghề thiết kế thời trang các trình độ cao đẳng, trung cấp. Mới đây, thiết kế thời trang là một trong 22 nghề được chuyển giao đào tạo từ CHLB Đức. Sinh viên tốt nghiệp ngành học này sẽ có đủ trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, được cấp song bằng của Việt Nam và Đức. Điều này cho thấy rõ hơn về nhu cầu đào tạo và phát triển nghề thiết kế thời trang tại Việt Nam trong thời gian tới.

Về cơ hội việc làm, sinh viên sau tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang thường có việc làm tại các cửa hàng thời trang, công ty thiết kế thời trang, phòng kỹ thuật các doanh nghiệp may mặc, da giầy… mức thu nhập ban đầu phổ biến từ 5 – 8 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, xu thế hiện nay, khá nhiều bạn trẻ mạnh dạn lựa chọn cách khởi nghiệp là tự xây dựng thương hiệu riêng để trở thành “Nhà thiết kế thời trang”.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cả nước đang có gần 30 cơ sở đào tạo nghề thiết kế thời trang các trình độ cao đẳng, trung cấp. Mới đây, thiết kế thời trang là một trong 22 nghề được chuyển giao đào tạo từ CHLB Đức.

Sinh viên tốt nghiệp ngành học này sẽ có đủ trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, được cấp song bằng của Việt Nam và Đức. Điều này cho thấy rõ hơn về nhu cầu đào tạo và phát triển nghề thiết kế thời trang tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: GD&TĐ