Đề thi tham khảo môn Lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia 2020 theo đánh giá của một số giáo viên, học sinh trình độ trung bình có thể đạt 7,0 điểm.
Kiến thức đã được học chiếm 80%
Theo phân tích của cô giáo Lê Mỹ Dung, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), đề tham khảo có 40 câu với hai phần rõ rệt. 28 câu kiểm tra kiến thức cơ bản, chiếm 70% (tăng 10% so với năm 2019); 12 câu phân hóa, chiếm 30% (giảm 10% so với năm 2019).
Nội dung đề thi nằm trong chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12, kiến thức lớp 11 chỉ có 02 câu (chiếm 5%). Tỷ trọng các câu theo độ khó đượ phân phổ hợp lý. 16 câu đầu (chiếm 40%) ở mức dễ, chỉ kiểm tra năng lực nhận biết, tăng 10% so với năm 2019; 12 câu (từ câu 17 đến câu 28, chiếm 30%) ở mức tương đối dễ, kiểm tra năng lực thông hiểu.
8 câu vận dụng (từ câu 29 đến câu 36, chiếm 20%) ở mức tương đối khó, nhằm phân loại học sinh có trình độ khá. Đáng chú ý, 36 câu này (9,0 điểm) đều có sự giảm nhẹ độ nhiễu của những phương án nhiễu, giúp học sinh loại trừ dễ hơn so với các năm trước.
4 câu vận dụng cao (từ câu 37 đến câu 40) chỉ chiếm 10% ở mức khó, đòi hỏi tư duy phân tích, tổng hợp, năng lực đánh giá, phán xét, có tác dụng phân loại học sinh giỏi.
Với 04 câu vận dụng cao (1,0 điểm), số câu hỏi khó trong đề minh họa giảm 50% so với năm 2019. Theo đó, học sinh được giảm bớt thời gian phải đầu tư cho nhiều câu ở bậc cao.
Đáng lưu ý, có tới 30/34 câu hỏi (chiếm 75%) tập trung vào phần kiến thức học kỳ I, lớp 12.
Phần kiến thức học kỳ II lớp 12 (Việt Nam từ năm 1954 đến năm 2000) có 08 câu ở mức dễ (05 câu nhận biết) và tương đối dễ (03 câu thông hiểu). Các câu hỏi này chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản (chiếm 2,0 điểm), không có câu phân loại (mức vận dụng và vận dụng cao). Đây là phần giảm nhẹ đáng kể trong điều kiện học tập không bình thường hiện nay.
Như vậy, phần lịch sử đã học trong điều kiện bình thường chiếm 80% (tương đương 8,0 điểm), phần học trong điều kiện có khó khăn do dịch bệnh chiếm 20% (tương đương 2,0 điểm). “Nếu học thật tốt chương trình học kỳ I của lớp 12, học sinh có thể đạt 7,5 điểm”, cô Mỹ Dung nhận định.
Học sinh có thể học trực tuyến, qua truyền hình
Cô giáo Lò Thị Kiều Oanh, Trường THPT Trương Định (Hà Nội) cho rằng, do đặc điểm chương trình môn Lịch sử hiện hành là đồng tâm nên kiến thức sử dụng để làm 28 câu kiểm tra kiến thức cơ bản (chiếm 70%) đều được học hai lần ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. 28 câu này gồm 16 câu ở mức nhận biết và 12 câu ở mức thông hiểu như đã nói ở trên. Vì vậy, học sinh trình độ trung bình có thể đạt 7,0 điểm.
Cô Oanh đánh giá, đề thi minh họa môn Lịch sử năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung đánh giá kiến thức cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông là chủ yếu, phù hợp với Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học phổ thông học kỳ II, năm học 2019-2020 (kèm theo Công văn số 1113/BGDĐT-GDTrH ngày 30-3-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Mặc dù giảm nhẹ so với các năm trước, nhưng đề thi tham khảo vẫn đáp ứng yêu cầu đánh giá kiến thức cơ bản để xét công nhận tốt nghiệp. Mặt khác, đề đáp ứng yêu cầu phân hóa, cung cấp một kết quả tin cậy làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có thể xét tuyển sinh.
Nhắn nhủ tới học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn “nước rút”, cô Lò Thị Kiều Oanh nói: “Thời gian này, các em cần tập trung ôn tập thật tốt những phần đã học. Đồng thời, có thể học qua các chương trình giáo dục trên truyền hình và các trang mạng, những buổi dạy học từ xa của thầy, cô”.