Kỳ vọng nâng cao chất lượng giáo dục từ những thay đổi phù hợp

0
854

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Liên tiếp các thông tin xếp hạng các trường đại học, viện nghiên cứu thời gian gần đây làm nức lòng những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà. Cùng với đó, giáo dục được nhận định, sẽ có những biến chuyển tích cực chỉ với những thay đổi đơn giản và phù hợp.

Công bố quốc tế quyết định chất lượng các trường ĐH

Việt Nam có 10 đại học, viện nghiên cứu Việt Nam dẫn đầu về số lượng công bố quốc tế trong thời gian từ 1/8/2018 đến 31/7/2019, theo Bảng xếp hạng Nature Index.

Theo đó, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học và các viện nghiên cứu có tên trong top 10 của Bảng xếp hạng này.

 10 đại học, viện nghiên cứu Việt Nam dẫn đầu về số lượng công bố quốc tế.
Bảng xếp hạng Nature Index công bố mỗi năm phản ánh về quy mô công bố và mức độ sự hợp tác nghiên cứu chất lượng cao ở cấp cơ sở giáo dục đại học/nghiên cứu, cấp quốc gia và khu vực.

Nature Index chọn lọc ra 82 tạp chí hàng đầu thế giới từ hàng chục nghìn tạp chí quốc tế uy tín như: Nature, Cell, Science, Nano Letters, Geophysical Research Letters, Journal of The American Chemical Society, Macromolecules… để đưa vào đánh giá xếp hạng, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, sự sống và khoa học trái đất.

Kết quả xếp hạng Nature Index về công bố của quốc gia, tổ chức nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học được tính bằng hai tiêu chí:

Số bài viết (Article Count, AC): Được tính cho quốc gia hoặc tổ chức nghiên cứu nếu bài báo đó do một hoặc nhiều tác giả đến từ quốc gia đó hoặc tổ chức đó thực hiện, bất kể có bao nhiêu đồng tác giả đến từ bên ngoài tổ chức hoặc quốc gia đó.

Tỷ lệ công bố (Fractional Count, FC): Là tỷ lệ phần trăm tính theo công thức số tác giả của cơ sở giáo dục đại học (hoặc quốc gia) và số cơ sở giáo dục đại học chủ quản của các tác giả đó trên một bài viết. Để tính toán FC, tất cả các tác giả được coi là đóng góp như nhau cho một bài viết. Mỗi bài viết có chỉ số FC kết hợp tối đa là 1.0.

Tuyển dụng nhân sự – nên trao quyền chủ động cho ngành GD

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. Cho rằng, cơ chế tuyển dụng giáo viên hiện nay có nhiều điểm bất hợp lý, các đại biểu đề xuất, nên trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong vấn đề tuyển dụng nhà giáo. Như vậy sẽ tạo điều kiện để: Ngành Giáo dục chủ động hơn và góp phần giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Theo đại biểu Chu Lê Chinh (đoàn Lai Châu), chúng ta nên phân cấp trong vấn đề tuyển dụng, có trao quyền chủ động cho địa phương. Tinh thần là giao quyền tự chủ trong tuyển dụng, sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, trong đó có giáo dục, như thế sẽ phù hợp hơn.

Khi đã giao quyền chủ động, cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, không để tình trạng vừa tuyển dụng, vừa kiểm tra hướng dẫn; như vậy sẽ không khách quan. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về cả chất lượng và số lượng. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung.

 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục đào tạo.

Đồng quan điểm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng, nên giao sự chủ động trong tuyển dụng nhân sự cho các đơn vị. Bởi theo đề án vị trí việc làm, họ sẽ cân đối được nhân sự trong tổng thể chung. Theo đại biểu, nếu ngành Giáo dục được quyền tuyển dụng giáo viên, sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Dĩ nhiên khi đó, chúng ta phải có cơ chế, điều kiện giám sát.

Ngành Nội vụ định suất chỉ tiêu chung cho ngành Giáo dục, sau đó ngành Giáo dục thực hiện tuyển dụng theo chỉ tiêu và tính toán, điều phối nhân sự sao cho hiệu quả, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước)

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, nếu giao quyền tự chủ tuyển dụng giáo viên cho ngành Giáo dục sẽ rất tốt. Vì nếu ngành GD không chủ động được về con người thì sẽ rất khó, không phát huy được giá trị chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, thậm chí là nhân sự ở đơn vị đó.

Ở thời điểm hiện tại, cần phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Giáo dục – Nội vụ và nên theo hướng, ngành Giáo dục chủ trì tuyển dụng và có sự phối hợp với ngành Nội vụ.

Nếu còn băn khoăn, chúng ta có thể thực hiện thí điểm ở một số địa phương, sau đó rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả đến đâu. Việc thực hiện thí điểm để chúng ta có cơ sở thực tiễn; nếu có hiệu quả thì nhân rộng và áp dụng đại trà để trở thành cơ chế chung.

 Giảm buổi học chính khóa, tăng học trải nghiệm là mong muốn của cả giáo viên và học sinh (Ảnh minh họa).

Dạy học 5 ngày/tuần: Nhiều hy vọng đổi mới 

Hiện nay, số địa phương, cơ sở GD tổ chức học 5 ngày/tuần chưa nhiều. Song ghi nhận từ các đơn vị thực hiện cho thấy, đây là chìa khóa nâng cao chất lượng GD, bởi cô – trò có thời gian nghỉ ngơi, dành thời gian cho hoạt động ngoại khóa, rèn chuyên môn. Hy vọng, sự quyết tâm đổi mới, đi đầu của những trường học trên gợi mở kinh nghiệm giáo dục để các địa phương nghiên cứu, học hỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có nhiều thuận lợi, nhất là các trường có thêm hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài nhà trường.

Điều quan trọng nhất là học sinh, thầy cô giáo có được ngày thứ 7 và Chủ nhật để nghỉ ngơi, thư giãn, sinh hoạt bên gia đình. Đây là khoảng thời gian cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Khi triển khai học 5 ngày/tuần, giáo viên cũng có thời gian dành cho việc tự học, tự nghiên cứu hay tham gia các hoạt động trải nghiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh yếu…

Tuy nhiên, song song với học 5 ngày/tuần cần lưu ý công tác bán trú. Nhu cầu cho con học bán trú cấp trung học của phụ huynh rất cao. Do vậy, điều quan trọng là cần sự quyết tâm, nguồn lực từ phía nhà trường và sự chung tay của xã hội hóa. Tuy nhiên, khi triển khai bán trú cấp trung học nhà trường phải quản lý chặt chẽ học sinh từ khâu ăn ở, sinh hoạt, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Lãnh đạo các nhà trường cho rằng, nếu nghỉ học thứ 7, các tiết học có thể sẽ phải dồn lên cho các ngày trong tuần, khiến cho việc dạy và học áp lực.

Trái với lo lắng trên, một số giáo viên lại bày tỏ quan điểm nên nghỉ ngày thứ 7 để thầy lẫn trò có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập. Để đáp ứng nhu cầu của gia đình vẫn làm việc thứ 7, không có thời gian trông con, nhiều đề xuất cho việc các trường nên tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm để HS vẫn có nơi sinh hoạt đảm bảo an toàn.