Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Bàn về văn hoá ứng xử của giới trẻ trên không gian mạng” do báo Pháp luật Việt Nam tổ chức ngày 5/11, ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết: Với hơn 60 triệu người sử dụng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn.
Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Mục đích sử dụng mạng xã hội của giới trẻ rất đa dạng, trong đó 5 mục đích chiếm tỷ lệ cao nhất gồm: tìm kiếm, cập nhật thông tin xã hội; làm quen với bạn mới, giữ liên lạc với bạn cũ; liên lạc với gia đình, bạn bè; chia sẻ thông tin hình ảnh, video, status; và để giải trí.
Thiết nghĩ, một ngày có 24 giờ đồng hồ, tính sơ sơ thời gian ăn, ngủ và nghỉ ngơi khoảng 10 tiếng, làm việc/học tập (ít nhất) khoảng 8 tiếng, như vậy còn lại 6 tiếng cho các hoạt động khác (đi lại di chuyển, làm việc nhà, chăm sóc người thân, kết nối, tương tác, phát triển bản thân, làm thêm, thư giãn giải trí, tập luyện thân thể…). Trong khi đó, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong 1 ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 tiếng. Trung bình 7 tiếng mỗi ngày, có nghĩa là có những bạn trẻ dùng mạng xã hội hơn 7 tiếng/ngày. Như vậy, thời gian dùng mạng xã hội đã lạm vào thời gian mà lẽ ra làm các việc khác.
Từ kết quả khảo sát này, tôi lại nhớ đến dự án nghiên cứu về lĩnh vực xã hội của hai nữ sinh Trường THPT Gia Định (TPHCM) tham gia vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi Nghiên cứu Khoa học dành cho học sinh trung học năm 2017-2018. Trong dự án “Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT ở TPHCM”, hai nữ sinh Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy đã khảo sát 7.363 học sinh ở các trường THPT trên địa bàn TPHCM. Kết quả cho thấy có 81,8% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, có đến 13,7% học sinh ngủ dưới 5 tiếng. Có tới hơn 50% học sinh đi ngủ sau 23h và thức dậy trước 5h30 sáng.
Hai lý do hàng đầu làm thời gian ngủ của học sinh bị thiếu và đảo lộn nghiêm trọng được nghiên cứu này chỉ ra là do áp lực học tập và ảnh hưởng từ thiết bị công nghệ. Đại diện nhóm cho biết, 5.000 học sinh được hỏi cho rằng việc lên mạng sử dụng Facebook, Instagram, Youtube… đã làm giảm thời gian dành cho việc ngủ.
Hai khảo sát trên dù khác nhau về đối tượng và quy mô nhưng từ đó cũng cho thấy phần nào bức tranh toàn cảnh về tình trạng “nghiện” mạng xã hội đang trở nên phổ biến ở giới trẻ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, là người trẻ, chắc hẳn các bạn biết quá rõ về những hậu quả của chứng “nghiện” mạng xã hội, báo chí cũng đã đăng tải nhiều những trường hợp học sinh, sinh viên phải nhập viện do nghiện điện thoại và mạng xã hội Facebook. Nhưng mạng xã hội vẫn là một thứ vô cùng lôi cuốn với các bạn trẻ, làm các bạn say mê quên thời gian làm những việc khác.
Thời gian tuổi trẻ trôi qua nhanh lắm, đừng để đến khi nhìn lại thì bạn đã đi qua tuổi 20, tuổi 30 – những năm tháng cần ưu tiên cho việc tích lũy kiến thức, trau dồi các kỹ năng, kết hợp rèn luyện thể lực để bạn có thể trở thành một cá nhân có ích cho xã hội, ít nhất là có thể tự lo cho cuộc sống của bản thân.
Đừng để thời gian mỗi ngày của bạn hoang phí khi sa đà vào mạng xã hội. Mạng là ảo, nhưng thời gian mất đi không bao giờ trở lại là một sự thật phũ phàng!
Nguồn: Dân trí