Câu chuyện về lương, thu nhập, chăm lo đời sống cho giáo viên không phải là mới, nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Đi mới biết, đến mới hiểu và gặp mới hay, có biết bao nhà giáo đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để đến những nơi “thâm sơn, cùng cốc”, tình nguyện cống hiến trọn đời cho sự nghiệp “trồng người”. Vậy mà không một lời kêu ca, không một lời than phiền vất vả, ngày ngày họ vẫn miệt mài “cõng chữ” lên non. Lương thấp, thu nhập không đủ chi tiêu, họ sẵn sàng cấy lúa, trồng rau, tăng gia sản xuất… để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng quyết không bỏ trường, bỏ lớp.
Với những giáo viên mới vào nghề, nếu được vào biên chế thì hàng tháng cũng chỉ được 3 – 4 triệu đồng. Còn với những giáo viên theo diện hợp đồng, thu nhập 2 triệu đồng/tháng, thậm chí còn thấp hơn là chuyện có thực. Vì thế, việc các giáo viên phải làm thêm nhiều nghề khác là điều dễ hiểu.
Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện của một giáo viên trẻ, tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ quê đến Thủ đô dạy học, nhưng thu nhập chưa đầy 4 triệu đồng/tháng khiến cô giáo trẻ vẫn phải nhận viện trợ từ gia đình. Hàng tháng, cô vẫn được bố mẹ cấp gạo và tiền tiêu thêm. Sau này cô bán hàng online. Thứ 7, Chủ nhật cô nhận chạy bàn cho một quán cafe để không phải “ăn bám” bố, mẹ.
Hỏi, cô có ý định bỏ nghề không, cô giáo trẻ khẳng khái đáp: Không! 4 năm đại học, gửi gắm biết bao niềm tin và hy vọng nên dù có vất vả đến đâu em cũng sẽ vượt qua. Bán hàng chỉ là phụ và trước mắt lấy nghề phụ hỗ trợ nghề chính. Em tin, rồi sẽ có ngày chúng em sẽ “sống được bằng nghề”.
Câu chuyện với cô giáo trẻ khiến tôi cũng như nhiều người trăn trở và day dứt. Bởi trên thực tế, còn có biết bao nhà giáo đang phải làm thêm để “lấy phụ nuôi chính”. Âu cũng chỉ vì lòng yêu nghề, yêu trường, yêu lớp mà họ không nỡ “dứt áo ra đi”, tìm công việc khác.
Hẳn chúng ta còn nhớ, không biết bao nhiêu lần dư luận nhắc lại về việc Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT có nêu: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, từng vùng.
Vẫn biết là “biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng đó là thực tế, là mong mỏi chính đáng của các thầy, cô. Bởi chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo là việc làm cần thiết, nhằm giúp họ ổn định đời sống, yên tâm công tác. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy – học. Sâu xa hơn là ngành Sư phạm sẽ thu hút được nhiều sinh viên giỏi.
Ai cũng biết, dạy học là nghề đặc thù trong các nghề đặc thù và cao quý trong các nghề cao quý. Vì thế cần sớm có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp cho nhà giáo, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để giúp họ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Thiết nghĩ, Nhà nước cần bố trí nguồn kinh phí để thực hiện mục tiêu này.
Song điều quan trọng là, sẽ không còn những câu chuyện nhà giáo phải “nghề tay trái nuôi nghề tay phải”, không phải dạy thêm, học thêm để nâng cao thu nhập. Lúc đó, giáo viên sẽ sống được bằng nghề.