CHỌN NGHỀ PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU XÃ HỘI SẼ TỐT HƠN “SỞ THÍCH”

0
802
Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội) Nguyễn Quý Xuân.

Việc học nghề chỉ là giai đoạn ban đầu, trong quá trình phát triển con người sẽ liên tục nâng cao năng lực bản thân, vì vậy việc đổi nghề cũng sẽ liên tục phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội) đã chia sẻ như vậy tại buổi tọa đàm “Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số”.

Ông Nguyễn Quý Xuân cho biết: “Nghề nghiệp trong xã hội luôn có sự thay đổi, có nghề mất đi, có nghề mới xuất hiện, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, thế giới “ảo” phát triển. Chính vì vậy, nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là vô cùng quan trọng.

Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội) Nguyễn Quý Xuân.

Vì vậy, chúng tôi thường tư vấn cho các em học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực của bản thân, phù hợp với sự phát triển của xã hội, theo xu hướng của xã hội mà chúng ta thường gọi là nghề “hot” đem lại thu nhập cao, cải thiện cuộc sống của bản thân tốt hơn”.

Vị hiệu trưởng này cho rằng, các nghề thường hướng tới sự phát triển, thay đổi của xã hội cho nên cách thức làm việc cũng có nhiều sự thay đổi. Học sinh cũng thường có xu hướng lựa chọn các nghề năng suất lao động cao, tiện ích cao, công việc ít phải lao động chân tay hơn.

Các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thực tế đều là đào tạo nghề. Vì vậy, việc phân biệt trường trung cấp là trường nghề, trường cao đẳng, đại học không phải trường nghề là chưa chuẩn xác.

Thực tế, đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng, từ cao đẳng đến đại học có thể nói là đào tạo nghề theo cấp độ cao hơn, mà những người được đào tạo mức cao hơn thì sẽ thực hành nghề tốt hơn.

Chia sẻ với các thí sinh, Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân nhấn mạnh: Có rất nhiều ngành nghề để cho các em lựa chọn nhưng làm thế nào để các em lựa chọn được công việc phù hợp bản thân, phù hợp với sự phát triển của xã hội thì vô cùng quan trọng.

Những ngành nghề mà các em theo học, không có ngành nghề nào là vĩnh viễn không thay đổi. Ngay tại trong ngành giáo dục, thầy là người theo giáo dục đến khi về hưu nhưng nhiều thầy cô theo giáo dục nhưng trong quá trình làm việc lại học và chuyển qua một ngành nghề khác.

Việc đổi nghề hay “nhảy” nghề diễn ra thường xuyên hiện nay. Các em có thể bỏ nghề cũ và theo nghề mới có thu nhập cao hơn, phù hợp với sở thích, năng lực, trình độ của bản thân hơn sau khi tốt nghiệp”.

Hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân chia sẻ thêm, việc học nghề chỉ là giai đoạn ban đầu, trong quá trình phát triển của con người, chúng ta sẽ liên tục nâng cao năng lực bản thân, vì vậy việc đổi nghề cũng sẽ liên tục và tốt hơn vì nó luôn luôn tạo động lực cho con người phát triển, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.

“Các nghề nghiệp không sinh ra một cách tự nhiên mà dựa trên nhu cầu của xã hội, vì vậy nếu các thầy cô giáo, phụ huynh hướng dẫn học sinh tốt  trong việc chọn nghề thì các em sẽ thành công” – hiệu trưởng Nguyễn Quý Xuân nhấn mạnh.

Nhật Hồng