Hà Nội: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật

0
1013
Năm 2019, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) của TP Hà Nội tiếp tục được đẩy mạnh hướng về cơ sở và người dân. Nội dung và hình thức PBGDPL đã thiết thực, phù hợp hơn với từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện, phục vụ tốt nhiệm vụ nhiệm vụ chính trị của TP năm 2019. Trong đó, kết quả nổi là đã triển khai thực hiện nhiều mô hình mới PBGDPL.

Theo bà Hồ Xuân Hương- PGĐ Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, triển khai Quyết định số 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND TP ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 – 2021” trên địa bàn TP Hà Nội. Đề án nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử của TP, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân Thủ đô.

ha noi hieu qua tu ung dung cong nghe thong tin trong pho bien phap luat
Công nghệ thông tin đang là công cụ đắc lực giúp cho công tác PBGDPL được lan tỏa rộng rãi. Ảnh tư liệu

TP Hà Nội đã tự nghiên cứu xây dựng phần mềm cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến tại website cuộc thi https://timhieudichvucong.hanoi.gov.vn. Kết quả đánh giá cho thấy phần mềm triển khai cuộc thi tương đối tối ưu, là sáng kiến, sáng tạo mới trong ứng dụng công nghệ thông tin trong công PBGDPL của TP Hà Nội. Đặc biệt, phần mềm được thiết kế để đảo lộn trật tự Bộ câu hỏi trắc nghiệm và cả phương án trả lời đối với mỗi lượt người tham gia dự thi. Vì vậy người tham gia dự thi muốn đạt điểm cao thì phải tìm hiểu, nắm vững các dịch vụ công trực tuyến của TP.

Bên cạnh đó, với phần mềm này, người dự thi được tham gia thi thử nhiều lần, thi trắc nghiệm 10 lần. Việc được tham gia thi thử và thi trắc nghiệm nhiều lần giúp người dự thi hiểu rõ về các kiến thức liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, một số thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến sát với người dân trong lĩnh vực tư pháp, GD&ĐT, LĐ-TB&XH.

Kết quả cuộc thi đã thu hút số lượng lớn người tham gia dự thi 867.418 lượt người tham gia dự thi, tạo thành phong trào tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến sôi nổi trên địa bàn Thủ đô.

Cũng theo PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, hiện TP Hà Nội đang tiếp tục xây dựng phần mềm ngoại khóa tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với quy tắc ứng xử cho học sinh các trường THPT trên toàn địa bàn TP dưới hình thức trực tuyến, nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình cầu thang pháp luật; tiếp tục phối hợp xây dựng chương trình sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật phát trong khung giờ vàng vào lúc 20g45 tối 2, 4, 6 hàng tuần, xây dựng video, phóng sự, clip tuyên truyền pháp luật về phòng chống bạo lực, quy tắc ứng xử… cho người dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn TP.

Trong đó, ”Mô hình cầu thang pháp luật” dưới dạng video quảng cáo có minh họa hình ảnh và chú thích các quy định của pháp luật để tuyên truyền trên thết bị điện tử lắp đặt tại khu chung cư về nội dung liên quan đến các quy định quản lý, sử dụng nhà chung cư, vệ sinh môi trường, quy tắc ứng xử…

Cũng trong năm qua, Hà Nội đã nâng cấp Trang thông tin điện tử PBGDPL TP liên kết chia sẻ với Cổng thông tin điện tử phổ biến, pháp luật dùng chung toàn quốc. Cập nhật đầy đủ thông tin pháp luật của Trung ương, TP, kết nối, liên thông của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP để lồng ghép, chia sẻ thông tin, tài liệu về PBGDPL trên môi trường mạng. Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực và đạt hiệu quả cao, gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan Nhà nước với người dân, DN.

Về dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã biểu dương và đánh giá cao việc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL của TP Hà Nội. Theo Thứ trưởng, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL của TP Hà Nội đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. “Các mô hình như Cầu thang pháp luật, việc dành thời lượng trong giờ vàng để tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua tình huống thực tiễn sinh động của Hà Nội là những mô hình tốt mà tới đây Ban chỉ đạo tổng kết chỉ thị số 32 ở Trung ương sẽ phải tổng kết và nhân rộng với nhiều kinh nghiệm cho toàn quốc”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nói.

Nguồn: PL&XH