Chọn ngành học phải vừa thích vừa hợp

0
957
Chuyên gia cho rằng thích ngành nào là quyền của người trẻ nhưng cần xác định nó có hợp với bản thân không. Học sinh cũng cần bỏ qua định kiến, đánh giá từ người không hiểu biết.

Là người gắn bó với công tác tư vấn hướng nghiệp hơn 10 năm nay, TS Huỳnh Anh Bình – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM – luôn trăn trở về tình trạng người trẻ hoang mang trước ngưỡng cửa cuộc đời và chọn sai ngành học.

“Hiện tại, xã hội và cơ quan quản lý quan tâm hướng nghiệp, giúp đỡ học sinh chọn ngành. Nhưng chuyện buồn là chúng ta đang quá quan tâm đến lớp 12, tức chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Nhiều bạn chọn sai ngành vì đến lúc này mới tham gia hướng nghiệp thì chậm”, ông nói.

Chọn ngành thích mà không hợp khó theo đến cùng

Trao đổi với Zing.vn, TS Huỳnh Anh Bình cho biết ở nước ngoài, học sinh được định hướng nghề nghiệp từ mẫu giáo. Ở nước ta, vấn đề này được quan tâm từ bậc THCS. Ông cho rằng việc suy xét chọn ngành nghề nên bắt đầu từ sớm.

Chon nganh hoc phai vua thich vua hop hinh anh 1
TS Huỳnh Anh Bình khuyến khích học sinh nghiêm túc suy nghĩ về việc chọn nghề từ năm lớp 6. Ảnh: NVCC.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, người học nên tìm tòi, khám phá sở thích của mình. Đầu lớp 6, các em cần quan tâm sở thích đó có gắn chặt với nghề nghiệp tương lai không. Lớp 9 là thời điểm để quyết định học nghề hay lên THPT. Vì thế, học sinh cần chạy đà, nghiêm túc xem xét từ lớp 6.

TS Huỳnh Anh Bình mong muốn học sinh có ý thức sớm để chọn ngành ở lớp 9. Đến lớp 12, các em nên tập trung chọn trường. Đương nhiên, các em cần suy xét cẩn thận trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Để chọn ngành nghề phù hợp, TS Bình hy vọng người học nắm được chương trình của ngành, biết mình sẽ học cái gì, có thích thú những môn đó không. Thực tế quá trình hướng nghiệp, ông nhận thấy nhiều bạn xác định thích ngành cụ thể nhưng không biết ngành này là học cái gì.

Ngoài ra, hiện nay, các trường thường có “Open Day”, học sinh nên đến những trường có đào tạo ngành đó giao lưu, tìm hiểu ngôi trường thật kỹ để xem có thể gắn bó hết chương trình học không.

Ông cũng khuyên người trẻ ngồi lại với người đã ra trường, đi làm ngành mình chọn nhiều năm. Đơn giản, họ là người đi trước, sẽ có lời khuyên rõ ràng, chính xác để các em hiểu mình hợp ngành hay không.

Bên cạnh đó, mỗi người đều xác định học để có việc làm. Do đó, nếu muốn theo ngành đặc thù, các em cần xem địa phương mình sống có nhu cầu ngành đó không hoặc chấp nhận làm việc xa nhà.

Hơn nữa, trong thời đại cách mạng 4.0, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, 5 năm là bức tranh mới, 10 năm là sự thay đổi toàn diện, 15 năm thay đổi mang tính toàn cầu, học sinh cần tự nghiên cứu xu hướng thay đổi của thế giới.

Chon nganh hoc phai vua thich vua hop hinh anh 2
Trong thế giới thay đổi liên tục và nhanh chóng, khi chọn ngành, học sinh cần tự tìm hiểu xem trong tương lai, ngành đó còn tồn tại hay phát triển theo hướng nào. Ảnh: Anh Tuấn.

Các em cần hình dùng được trong xu hướng tương lai, ngành nghề đó còn tồn tại hay phát triển theo hướng nào để chuẩn bị tâm thế và thích ứng với nó.

“Cuối cùng, người học có quyền thích nhưng phải tự trả lời xem mình có hợp hay không vì thích là một chuyện, hợp lại là chuyện khác. Các em phải căn cứ sức khỏe, tài chính, gia đình và các yếu tố liên quan khác. Nếu thích mà không hợp, rất khó để gắn bó trong 4 năm đại học hoặc 3 năm cao đẳng”, ông nhấn mạnh.

Đại học hay học nghề đều tốt

Theo TS Huỳnh Anh Bình, mỗi học sinh có con đường phù hợp bản thân. Mọi người thường quan niệm đại học không phải con đường duy nhất nhưng bằng phẳng và thuận lợi nhất. Đương nhiên, nếu có điều kiện, ông ủng hộ học đại học, để trau dồi.

Tuy nhiên, đó thực sự không phải con đường duy nhất. Định kiến học nghề không thể tiến thân hoàn toàn sai.

Chon nganh hoc phai vua thich vua hop hinh anh 3
Học nghề không thể tiến thân là định kiến hoàn toàn sai lầm. Ảnh: Httc.edu.

Trong thị trường nghề nghiệp, doanh nghiệp luôn có sự phân tầng, cần bao nhiêu nhân lực bậc đại học, bậc cao đẳng, nghề, lao động phổ thông.

“Nếu tất cả chúng ta đều học đại học, thị trường cơ cấu sẽ bị phá vỡ. Bạn nào thích hợp, có thể học, còn ai có hướng đi riêng, thấy hợp với mình thì cứ lựa chọn”, ông nói.

Ông chia sẻ thêm trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh cấp 2, ông luôn nhắn nhủ nếu các em chọn học thì đừng sợ, sợ thì không học. Hiện nay, xã hội rất cần nhân lực khối trung cấp, cao đẳng nghề và thừa nhiều thạc sĩ, cử nhân.

Do đó, ông ủng hộ học nghề và cho rằng niềm tin cá nhân, sự phù hợp mới là điều quan trọng. Nếu cảm thấy hợp, tôi ủng hội. Niềm tin cá nhân, sự phù hợp là điều quan trọng. Ở năm lớp 9, các bạn có quyền chọn đường đi khác như vừa học văn hóa vừa học nghề, tham gia thị trường lao động sớm hơn và có thể học liên thông tiếp.

Khi cánh cửa mở ra, tất cả hướng đi đều có thể miễn điểm đến chung là nâng cao khả năng, phát triển bản thân. Nếu thích những nghề liên quan trung cấp, cao đẳng, học sinh có thể chọn. Các em còn quyền liên thông nếu muốn học lên đại học.

“Cứ bỏ qua định kiến, đánh giá của người không hiểu biết, mỗi người hướng đi riêng, đi vòng hay đi thẳng thì cuối cùng vẫn là đích đến. Cả học nghề hay học đại học đều là con đường tốt đẹp”, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp nhắn nhủ tới những bạn trẻ còn phân vân có nên mạnh dạn theo đuổi học nghề hay không.