TĂNG CƠ HỘI LỰA CHỌN NGÀNH PHÙ HỢP
Trong phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2019 vừa công bố mới đây, Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển 3.800 chỉ tiêu, theo hai phương thức, gồm tuyển thẳng và xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019. Điểm trúng tuyển được xác định theo ngành (chuyên ngành)/chương trình, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Trường giữ nguyên tổ hợp xét tuyển như năm 2018. Đáng chú ý, ngoài 19 chuyên ngành tuyển sinh năm 2018, trong đó có hai chương trình đào tạo chất lượng cao, trường tuyển sinh thêm hai chuyên ngành mới là: Kiểm toán; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài tuyển sinh đại học chính quy chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao, ngay sau khi công bố danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1, nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh đại học chính quy chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù.
Là một trong những trường đại học tốp trên của cả nước, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về cơ bản không thay đổi nhiều, nằm trong khoảng 6.500, tương đương với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018. PGS. TS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Năm nay trường sẽ mở thêm ngành đào tạo mới chưa có trong mã ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, trường sẽ có 5 chương trình đào tạo mới. Đây là những chương trình nhà trường đào tạo từ trước nhưng được thay đổi theo chương trình chuẩn chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh. Dự kiến, mỗi chương trình đào tạo năm đầu mới triển khai sẽ tuyển sinh 30-40 chỉ tiêu. Tất cả chương trình học của nhà trường được cân nhắc kỹ, thậm chí có cả khảo sát…”.
Như vậy, theo PGS. TS. Trần Văn Tớp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của một số ngành để không tăng quy mô tuyển sinh. Đề án tuyển sinh, bao gồm mã tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh… sẽ được nhà trường công bố chính thức trong thời gian tới. Nhằm đào tạo đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường sẽ thay đổi một số chương trình đào tạo và được xúc tiến trên nền tảng công nghệ thông tin và các phương tiện để thay đổi cách dạy và học.
Phương án tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được giữ ổn định để thí sinh và phụ huynh yên tâm. Theo GS. TS. NGND. Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh nhà trường: Trường vẫn giữ nguyên phương thức xét tuyển đại học chính quy như năm 2018 là xét học bạ và xét kết quả thi THPT quốc gia. So với chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2018 là 5.500, năm nay, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang xây dựng phương án tuyển sinh theo dự kiến sẽ cố định chỉ tiêu tuyển sinh và không mở thêm ngành mới.
ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY CHẾ TUYỂN SINH
Để tăng tính tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đại học, cao đẳng, năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường chủ động xây dựng và công bố đề án tuyển sinh, bảo đảm nguyên tắc tự chủ.
Ngoài phương thức sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các trường có thể sử dụng phương thức khác để tuyển sinh.
Về công tác tuyển sinh đại học năm 2019, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, trong đó dự kiến sẽ có những thay đổi và bổ sung một số điểm.
Cụ thể, những trường hợp sử dụng kết quả thi THPT bắt buộc thực hiện các bước của quy trình xét tuyển. Đồng thời, các trường cần cung cấp đầy đủ thông tin cũng như điều kiện nhằm bảo đảm chất lượng, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ sau khi tốt nghiệp.
Đối với quân nhân dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn.
Đặc biệt, với nhóm ngành thuộc ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT sẽ xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển phù hợp… Dự thảo được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến hết ngày 24/2. Như vậy, nếu như những dự kiến điều chỉnh quy chế tuyển sinh nêu trên của bộ được thực hiện thì năm 2019, bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm và khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề để bảo đảm chất lượng tuyển sinh đầu vào thay vì chỉ duy nhất ngành sư phạm có quy định điểm sàn như năm 2018.
Một băn khoăn trong quy chế tuyển sinh đại học hiện nay là không giới hạn nguyện vọng thí sinh đăng ký. Điều này dẫn tới trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2018, lượng thí sinh ảo rất nhiều. Nhiều trường không tuyển được sinh viên theo chỉ tiêu đề ra.
Theo GS. TS. NGND. Vũ Văn Hóa, năm 2018, tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có nhiều thí sinh đăng ký tới 4-5 mã ngành nhưng sau đó lại không nhập học. Từ thực tế này, GS. TS. NGND. Vũ Văn Hóa bày tỏ mong muốn, bộ nên khống chế nguyện vọng để các trường không gặp khó trong công tác tuyển sinh.
Còn theo quan điểm của PGS. TS. Trần Văn Tớp, việc không giới hạn nguyện vọng không làm tăng lượng thí sinh ảo vì theo thống kê, trong mùa tuyển sinh năm trước, trung bình cả nước có 4-5 nguyện vọng/thí sinh. Tuy nhiên, việc không giới hạn nguyện vọng cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, nhất là những em có học lực trung bình. PGS. TS. Trần Văn Tớp đưa ra lời khuyên, các em chỉ nên đăng ký 3-4 nguyện vọng, sau đó dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia mới bổ sung thêm nguyện vọng cho chắc chắn.
Rõ ràng, những thay đổi của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh là cần thiết để khắc phục những mặt còn hạn chế của các kỳ thi trước. Song các thí sinh và phụ huynh đều hy vọng, đổi mới phải làm sao ngày càng giảm áp lực thi cử, tránh xáo trộn tâm lý cho học sinh để các em đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới./.
Nguyễn Hoài