Ngày 3/9/1945, tức một ngày sau khi Hồ Chủ Tịch đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân phong kiến không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả các công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử cà bầu cử không phân biệt giầu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”
Có thể nói, chính quyền nhà nước ở nước ta được xác lập ngay từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 02/09/1945. Tuy nhiên, Nhà nước đó, xét về mặt pháp lý lẫn phương diện tổ chức bộ máy, vẫn chưa phải là một nhà nước hoàn chỉnh. Trên thực tế, Nhà nước ta lúc đó mới chỉ có một bộ máy hành chính mang tính chất lâm thời. Để bảo đảm tính pháp lý và uy tín của Nhà nước trước toàn thể nhân dân và cộng đồng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hối thúc Chính phủ lâm thời tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội.
Sau vài tháng chuẩn bị, sớm ngày 6/1/1946 nhân dân cả nước đã hăng hái đi bỏ phiếu với nét mặt hân hoan, quần áo tươi sắc. Hồ Chủ Tịch và các vị trong Chính phủ cũng đi bỏ phiếu với nhân dân tại các trụ sở khu phố trên địa bàn TP Hà Nội.
Ở Nam bộ và Nam Trung bộ, cuộc bầu cử được tiến hành trong khói lửa chiến tranh. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc, mở những cuộc hành quân càn quét, tung tay sai đi phá hoại bầu cử. Chỉ tính riêng những người làm công tác vận động bầu cử, chúng ta đã có hơn 40 chiến sỹ đã hi sinh anh dũng trong đợt Tổng tuyển cử bầu Quốc hội này. Lá phiếu trong cuộc bầu cử này được gọi là “lá phiếu máu”, vì nó thấm máu của những cán bộ, chiến sỹ đã quên mình cho nền độc lập của tổ quốc, vì sự kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng Việt Nam.
Mặc dù vậy, cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Trong 71 tỉnh/ thành, có 89% số cử tri đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số…
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chứng minh cho sự giác ngộ chính trị của các tầng lớp nhân dân – lần đầu tiên thực hiện quyền làm chủ đất nước và xã hội qua lá phiếu bầu ra những đại biểu của mình. Đó là thắng lợi của chế độ mới, của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam. Đánh dấu sự thành công của đường lối cách mạng đúng đắn, của chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể từ đó đến nay, ngày 06-01-1946 đã đi vào lịch sử, Quốc hội Việt Nam đã trải qua nhiều kỳ bầu cử, Quốc hội Việt Nam và luôn xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phục vụ cho lợi ích chung của Nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân Việt Nam.