Tuy nhiên, với phương pháp học mới này, nhiều giảng viên, sinh viên vẫn còn khá bỡ ngỡ. Nhưn, mỗi khó khăn đều là những trải nghiệm quý báu mà các thầy, cô biến đổi thành những phương pháp sư phạm hiệu quả và áp dụng phù hợp cho sinh viên.
Dưới đây là những chia sẻ của TS. Bùi Mỹ Trinh, Giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội, Kinh tế và Quản lý, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN trong việc dạy học trực tuyến. Đó là cách xây dựng văn hóa học online hiệu quả cho sinh viên. Cụ thể hơn, đó là những thói quen và hành vi học có văn hóa như dưới đây.
Văn hóa chuẩn bị trước khi vào học online
Có khá nhiều bạn chia sẻ đã chuẩn bị thời khóa biểu, in sẵn tài liệu sách, slides, ăn sáng trước đó, tạo không gian học bài, thông báo với gia đình về việc mình sẽ học bài và xin hạn chế làm phiền trong suốt buổi học, đảm bảo tính riêng tư trong thời gian học.
Một số bạn chưa hạn chế được tiếng ồn trong suốt thời gian học nên đã chủ động tắt mic, nhưng vẫn tham gia thảo luận bằng cách gõ vào phần chat với cả lớp.
Nhiều bạn chuẩn bị tình huống mạng internet không tốt bằng cách xem lại phần record và chủ động xin giảng viên giảng lại phần chưa hiểu. Bản thân tôi cũng đã tải toàn bộ sách e-book, slide svà tài liệu tham khảo đưa lên Microsoft Teams để các bạn tiện theo dõi và có tính chủ động cao trong việc lĩnh hội kiến thức.
Văn hóa xử lý vấn đề một cách tích cực, sáng tạo
Bên cạnh việc cung cấp các kiến thức cơ bản theo giáo trình, tôi và các thầy, cô trong Bộ môn luôn đưa cho các bạn rất nhiều hoạt động, như mô phỏng hoạt động nhỏ doanh nghiệp, tìm biện pháp để tháo gỡ vấn đề doanh nghiệp, thuyết trình và phân tích một tình huống, lựa chọn giải pháp tối ưu, bài tập trắc nghiệm.
Các bạn sinh viên đã bắt đầu xây dựng văn hóa đương đầu với các tình huống thách thức (mô phỏng) qua các dự án nhỏ về môi trường kinh doanh, văn hóa chủ động học tập và giải quyết vấn đề, và quan trọng là văn hóa tương tác với các thầy, cô.
Ví dụ như qua bài tập mô phỏng yêu cầu nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường sống bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và dịch bệnh, nhóm Úy Thương, Ming Trang, Đào Thanh Phúc tạo một clip riêng và chia sẻ về việc học online vừa an toàn sức khỏe, vừa sự nắm bắt xu thế, vừa không bị lỡ nhịp kiến thức và các dự định tương lai của các bạn.
Nhóm Trương Vũ Tú Hiệp xây dựng một trang riêng để chia sẻ “học online là giải pháp cho tương lai”. Những bài tập như vậy được chuyển đổi từ offline thành online, giúp sinh viên vẫn xử lý được các tình huống, vừa xây dựng tinh thần làm việc nhóm, kết nối và tương trợ lẫn nhau để tăng tương tác và ảnh hưởng, lan tỏa.
Văn hóa học nghiêm túc, tập trung, cường độ cao
Đa phần các thầy, cô đều giao cho các bạn rất nhiều bài tập lớn nhỏ, theo nhóm và cá nhân, để thực hành kiến thức ngay tại lớp. Vì vậy cường học khá cao và một số bạn sẽ dễ bị căng thẳng nếu không quen với cường độ đó.
Một số sinh viên rất thông minh, chăm chỉ, hạn chế không làm việc riêng trong giờ, tập trung vào bài giảng và thảo luận, làm bài. Nhiều bạn có khả năng tập trung rất cao nên học và hiểu bài luôn ở trên lớp. Thậm chí một số bài tập cô giao về nhà các bạn đã giải quyết xong luôn trên lớp. Như vậy tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho cả cô và trò.
Khả năng tập trung hoàn toàn có thể rèn luyện được, tích lũy từ hành vi tốt “giờ nào việc nấy”, dần dần thành thói quen tốt và năng lực tốt. Với khả năng tập trung, như một vũ khí cực mạnh, giúp các bạn hiệu quả dù là đi học hay đi làm sau này.
Văn hóa phản biện
Việc đưa cho sinh viên một tình huống để phân tích rất dễ, việc lựa chọn và đẩy tình huống lên mức thảo luận sôi nổi, tranh luận gay gắt mới là khó.
Dựa trên lời khuyên của các thầy, cô có kinh nghiệm giảng dậy lâu năm trong Bộ môn, tình huống được lựa chọn nên là các tình huống ngắn, và đặt câu hỏi phản biện có tác dụng tốt.
Tôi luôn cố tình chia sinh viên làm hai nhóm: ủng hộ hay không ủng hộ giải pháp đó và lý giải tại sao. Đôi khi một câu hỏi tốt có giá trị hơn một giải pháp tốt. Vì khi đặt được câu hỏi, sinh viên thường đã hiểu được kiến thức đó, thậm chí đã nghĩ gần đến giải pháp, và xây dựng được suy luận logic khi tương tác.
Quan trọng hơn cả, có những văn hóa mà giảng viên không xây dựng mà sinh viên vẫn có, đó là nề nếp đạo đức cá nhân do gia đình rèn luyện.
Xúc động nhất là nhiều bạn sinh viên vẫn duy trì nề nếp chào hỏi giáo viên đầu giờ và cuối giờ. Hỏi bài vở từ sáng đến tối muộn mà không quên xin lỗi và cảm ơn cô đã chỉ bài. Đó là động lực to lớn cho giảng viên tiếp tục cống hiến với nghề.
Đồng thời tạo niềm tin vững chắc vào các thế hệ sinh viên Khoa Quốc tế sẽ thành những cá nhân xuất sắc đóng góp tích cực cho xã hội, dù cho các bạn sinh viên có học bất cứ hình thức nào, trực tuyến hay học trực tiếp.
TS. Bùi Mỹ Trinh – Giảng viên Bộ môn Khoa học xã hội, Kinh tế và Quản lý, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN